Cơ quan điều tra khởi tố ông Cao Minh Quang về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ Công ty Dược phẩm Cửu Long giữ lại 3,848 triệu USD tiền giảm giá mua nguyên liệu từ ngân sách nhà nước.
Ngày 11-3, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Quang bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, xác nhận thông tin ông Cao Minh Quang bị bắt, cho biết căn cứ vào tài liệu điều tra, lời khai của các bị can và những người liên quan, C03 xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty dược Cửu Long.
Cũng theo ông Xô, kết quả điều tra xác định các bị can đã không kiểm tra làm rõ việc Công ty dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD. Đây là số tiền được giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã bị công ty giữ lại, sử dụng hết, không trả lại Bộ Y tế gây thiệt hại tài sản nhà nước.
C03 cũng khởi tố bị can 2 nguyên lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế gồm: Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên, cùng là cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính. Trước đó, ông Liên đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm COVID-19.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Hành vi của các bị can liên quan đến bê bối trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 vào năm 2006.
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty dược Cửu Long.
Do đó cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện việc công ty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,848 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Liên quan vụ án này, trước đó C03 đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, và lệnh khám xét đối với Lương Văn Hóa, nguyên tổng giám đốc; và Nguyễn Văn Thanh Hải, nguyên kế toán trưởng Công ty dược phẩm Cửu Long.
C03 cũng khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên phó tổng giám đốc Công ty dược phẩm Cửu Long.
Bê bối của ngành y tế xung quanh việc mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 từng được Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2014 và chuyển cơ quan điều tra.
Theo kết luận thanh tra, trong việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate, Bộ Y tế không báo cáo và xin phép Thủ tướng trước khi đặt hàng sản xuất và cung cấp thuốc với bốn công ty trên là sai quy định tại quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc.
Thực tế giá mua nguyên liệu của các công ty cao hơn nhiều so với giá Bộ Y tế đề xuất. Giá của Bộ Y tế đề xuất là 12.000 USD/kg nguyên liệu từ Ấn Độ, trong khi các công ty Stada VN, Imexpharm, Pymepharco mua với giá 18.000 USD/kg thông qua Công ty Stada Import/Export Hong Kong.
Sau khi thanh toán tiền, ba công ty trên đã được nhận lại 2,846 triệu USD từ Công ty Stada
Riêng Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long đã mua 520kg nguyên liệu từ Công ty Mambo Overseas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg, thành tiền là 9,1 triệu USD. Công ty đã thanh toán 5,252 triệu USD, số còn lại 3,848 triệu USD công ty giữ lại.
Trong khi đó, tháng 6-2006, Bộ Y tế đã thanh toán đủ cho công ty số tiền theo hợp đồng. Toàn bộ số tiền giữ lại này không được phản ánh trong báo cáo tài chính của Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long từ năm 2006 đến thời điểm thanh tra năm 2010.
Công ty này cũng báo cáo số tiền trên đã sử dụng vào trả nợ vay ngân hàng, mua nguyên liệu không liên quan đến hợp đồng trên với Bộ Y tế và được theo dõi theo sổ sách riêng của công ty. Thanh tra Chính phủ xác định công ty này đã vi phạm Luật kế toán.
Mới đây khi ban hành cáo trạng vụ án VN Pharma nhập hàng trăm ngàn hộp thuốc giả nhãn mác, viện kiểm sát cho rằng cựu thứ trưởng Cao Minh Quang có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cần tiếp tục làm rõ.
Theo viện kiểm sát, trong quá trình điều tra, ông Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Ông Quang cũng thừa nhận việc ký ban hành công văn 2970 có nội dung "các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự" là trái quy định pháp luật.
"Hành vi của ông Cao Minh Quang có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cáo trạng nêu.
Tuy nhiên theo viện kiểm sát, do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của cựu thứ trưởng Cao Minh Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định.
--------------------------------------------
Vụ VN Pharma: Tiếp tục làm rõ dấu hiệu phạm tội của ông Cao Minh Quang
Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng Bộ Y tế, trong vụ án VN Pharma nhập hàng trăm ngàn hộp thuốc giả nhãn mác, có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cần tiếp tục làm rõ.
Ngày 8-1, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can trong vụ án "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế".
Cùng với đó, cơ quan truy tố cũng xác định cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có trách nhiệm liên quan trong vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma.
Theo cáo trạng, ông Cao Minh Quang với vai trò là chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc đã có các sai phạm: Là người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký đối với 7 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada; ký ban hành công văn 2970 có nội dung trái quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo viện kiểm sát, trong quá trình điều tra, ông Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Ông Quang cũng thừa nhận việc ký ban hành công văn 2970 có nội dung "các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự" là trái quy định pháp luật.
"Hành vi của ông Cao Minh Quang có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cáo trạng nêu.
Tuy nhiên theo viện kiểm sát, do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của cựu thứ trưởng Cao Minh Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định.
Những quan điểm trên của viện kiểm sát cũng giống với kết luận của Cơ quan an ninh điều tra thể hiện trong kết luận điều tra được ban hành trước đó.
Ông Quang bị cơ quan điều tra xác định đã thiếu trách nhiệm khi xem biên bản thẩm định, xem xét lại hồ sơ khi biên bản thẩm định có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi ý kiến. Hồ sơ chưa đúng trình tự song ông vẫn đồng ý đưa ra họp và quyết định cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc trên.
Ông Quang còn có trách nhiệm trong việc ban hành các quy trình, quy chế về thẩm định cấp số đăng ký thuốc giai đoạn 2005 - 2010 gây bất cập trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (là người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada) bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma) lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký.
Thực tế, các hồ sơ thuốc này đều là giả. Hùng chỉ đạo thuộc cấp làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu hơn 838.000 hộp thuốc, trị giá gần 26 tỉ đồng.
Viện kiểm sát cáo buộc thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc này điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỉ đồng.