Ngày 12-3-1955: Bác Hồ căn dặn “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải luôn đoàn kết thành một khối vững chắc”
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ bảy (khóa II) mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12-3-1955, Bác Hồ căn dặn “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải luôn đoàn kết thành một khối vững chắc”.
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-3
Sự kiện trong nước
Bác Hồ với nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên nhà hát (Năm 1961). Ảnh tư liệu |
Ngày 12-3-1956: Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, sau hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trở thành trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước. Tiền thân là Đoàn múa rối Trung ương, đến nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, với nhiệm vụ phát huy nghệ thuật múa rối truyền thống và tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật múa rối thế giới, xây dựng nghệ thuật múa rối truyền thống và hiện đại.
Ngày 12-3-1975: Việt Nam và Niger thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.
Ngày 12-3-1992: Đại hội thành lập Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đại hội được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho những người hoạt động văn hóa, văn nghệ các dân tộc, từ các vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn - Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay có tên là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
(Theo baoninhthuan.com.vn, baothainguyen.vn)
Sự kiện quốc tế
Matxcơva. Ảnh: KUBAS JOURNEYS |
Ngày 12-3-1918: Thành phố Mát-xcơ-va trở thành Thủ đô của nước Nga Xô viết.
Ngày 12-3-1958: Các chuyên gia thể thao quân đội của 12 nước xã hội chủ nghĩa đã họp tại Matxcơva và thông qua Điều lệ tổ chức Uỷ ban thể thao quân đội các nước hữu nghị (gọi tắt là SKDA). SKDA thường xuyên tổ chức các đại hội thể thao mùa đông, mùa hè và các cuộc thi vô địch của các môn thể thao Olympic và thể thao quân sự thực dụng. Vận động viên quân đội các nước thành viên đã giành nhiều giải thưởng, huân huy chương trong các kỳ Đại hội. Đây cũng là một hình thức nhằm tạo ra mối đoàn kết, hiểu biết, học hỏi lẫn nhau giữa quân đội các nước xã hội chủ nghĩa.
Ngày 12-3-1999, Ba Lan, Hungary và Cộng hoà Séc trở thành những cựu thành viên đầu tiên của khối Liên bang Xô Viết gia nhập NATO.
(Theo baoninhthuan.com.vn, baothainguyen.vn)
Theo dấu chân Người
Ngày 12-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân thành Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam.
Ngày 12-3-1951, trên đường từ Trung Quốc về nước, qua tỉnh Hồ Bắc của bạn, Bác làm bài thơ chữ Hán “Quá Hồ Bắc”: “Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết/Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh/Minh thiên cơ giới thế mộc giới/Ức triệu nông gia lạc thái bình” (Bản dịch của Phan Văn Các: Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng/Nay về lúa mạch đã xanh xanh/Ngày mai cày máy thay cày gỗ/Ức triệu nhà nông hưởng thái bình).
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn |
Ngày 12-3-1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về âm mưu của Mỹ và đối sách của ta, Bác đã phát biểu nhiều ý kiến quan trọng (được ghi trong biên bản): Mỹ đã nói đến việc mở rộng chiến tranh từ tháng 2-1964 mà chúng ta nghiên cứu còn yếu. Phải có quyết tâm từ Bắc chí Nam, phải coi là trận sống còn (một là chết hai là thắng lợi). Phải tính đến hoàn cảnh thật gay gắt, địch sẽ dùng cả không quân và hải quân nên phải đề phòng sự dao động nghiêng ngả. Phải tăng cường tổ chức và tiềm lực. Phòng không nhân dân phải chú ý giải quyết đời sống của những gia đình khó khăn. “Các cháu bé quý hơn nhà máy”. Cách sống còn hoà bình, phải chuyển miền Bắc sang “nửa chiến tranh”. Về ngoại giao: Cần nghĩ trước việc vận động mở lại Hội nghị Giơnevơ để tranh thủ dư luận đồng thời nên tổ chức tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, tổ chức quốc tế. Trong chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi thì tạo điều kiện cho Mỹ rút.
Chỉ một năm sau, Mỹ đã mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trực tiếp đưa bộ binh vào tác chiến ở miền Nam, ngày 12-3-1966, Bác họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự, đồng ý kế hoạch tuyển quân và đề nghị không tuyển người đứng tuổi, con em những gia đình đã có nhiều con vào bộ đội, những người có trình độ cao còn cần cho các ngành kinh tế.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”.
Đoạn trích trên là một phần nội dung bài phát biểu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy (khóa II) mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12-3-1955. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh “nước ta tạm thời chia ra hai miền, miền Bắc chưa củng cố, miền Nam đang ở trong tình trạng khó khăn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng gây ra nạn di cư, ta thì gặp nạn đói kém, Miên và Lào gặp khó khăn, tình hình thế giới gay go”. Do vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là phải đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình. “…Toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”. Vấn đề xây dựng, củng cố mối đoàn kết thống nhất trong Đảng là một nguyên tắc bất biến. Khi nào Đảng ta thực hiện tốt việc đoàn kết, thống nhất nội bộ, thì khi đó có đường lối, quan điểm lãnh đạo cách mạng đúng đắn, sáng suốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2-3-1963. Ảnh tư liệu. |
Đặt trong bối cảnh tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nội dung phát biểu bế mạc của Bác Hồ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy vẫn mang tính thời sự, nóng hổi. Trên thực tế, Đảng ta luôn kiên định thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VGP |
Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng và nhân dân, Quân đội luôn nêu cao tinh thần “đoàn kết, thống nhất” trong nội bộ và với nhân dân; đó là cơ sở nền tảng để Quân đội làm tròn nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong tình hình hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đoàn kết thành một khối vững chắc thì nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu đó cũng là điều Bác Hồ hằng mong muốn cho đất nước, dân tộc Việt Nam.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 553 ngày 12-3-1959 đã đăng bài “Hoàn thành tốt đẹp cuộc đi thăm In-đô-nê-xi-a: Hồ Chủ tịch đã về tới Hà Nội ”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 553 ngày 12-3-1959. Ảnh: Qdnd.vn |
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1174 ngày 12-3-1963 đã đăng trang trọng bức ảnh “Hồ Chủ tịch và Nhà vua Lào Xri Xa-vang Vát-tha-na niềm nở bắt tay nhau”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1174 ngày 12-3-1963. Ảnh: Qdnd.vn |