Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Những chuyến bay đưa công dân về nước là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm cao của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Trước bối cảnh tình hình căng thẳng tại Ukraine, ngày 24/2 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có yêu cầu về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine; chỉ đạo bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan; đồng thời xây dựng phương án sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu cùng các điều kiện cần thiết khác.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu thăm hỏi, động viên và chúc mừng các kiều bào trở về nước an toàn. (Ảnh: Thành Đạt)
Tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng chiều 6/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Chủ tịch nước nêu rõ, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh.
“Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, “máu chảy ruột mềm”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu cần thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Do đó, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho công tác này, nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra.
Hơn lúc nào hết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được thể hiện rõ nét trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từng chuyến bay đưa công dân về nước đều mang theo tinh thần đùm bọc, yêu thương của quê mẹ Việt Nam với những người con sống xa quê hương.
Đón công dân từ Ukraine sang Nga lánh nạn
Ngày 5/3, trong chuyến đi gấp rút về phía nam, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (LB Nga) phối hợp Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh (LB Nga) đã đón thành công 10 công dân Việt Nam sơ tán từ Kovsharovka (tỉnh Kharkov, Ukraine) sang LB Nga qua cửa khẩu Logachevka. Họ được sắp xếp chỗ sinh hoạt trong một khách sạn sát khu chợ Việt ở thành phố Voronezh.
Sáng sớm, ông Vũ Huy Lan, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Voronezh ghé thăm những vị khách đặc biệt từ bên kia biên giới. Ông hỏi han tình hình sức khỏe của đoàn, rồi dặn dò nếu cần giúp đỡ thì đề đạt ngay. Đoàn cũng ghé thăm khu chợ của người Việt, nhận được sự quan tâm và hỏi han chân thành của đồng bào xa quê.
Bà con di tản từ Kharkov được đón tiếp tại Voronezh. (Ảnh: Thanh Thể)
Ngay khi chiến sự nổ ra ở miền đông Ukraine, Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh đã tổ chức quyên góp ủng hộ, hỗ trợ người sơ tán từ Ukraine sang LB Nga. Hội cũng đăng lên internet thông tin về kế hoạch hỗ trợ công dân Việt Nam sang lánh nạn. Không phải chờ lâu, nhiều gia đình tại Kharkov mau chóng liên hệ yêu cầu giúp đỡ.
Ngồi trong căn phòng có hai giường lớn, bà Tạ Thị Kiều Anh cặm cụi viết lời cảm ơn trên tấm bìa cứng. Nội dung có đoạn: Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã không ngại đường sá xa xôi, vượt hơn 1.000 km đến đón bà con. Chúng tôi biết ơn họ và cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh (LB Nga) vì đã tận tình giúp đỡ. Điều mong mỏi nhất của đoàn là sớm được về Việt Nam.
Người Việt Nam sơ tán từ Ukraine được quan tâm ở Voronezh. (Ảnh: Thanh Thể)
Thông tin về đoàn 10 người từ Kharkov (Ukraine) đến LB Nga an toàn, được tiếp đón chu đáo và nồng ấm tại Voronezh nhanh chóng lan tỏa rộng rãi. Ngày 9/3, thêm 3 người từ Ukraine sơ tán sang LB Nga và tiếp tục nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh, đúng như tinh thần “giúp đỡ hết sức mình” mà lãnh đạo Hội khẳng định.
Ngoài bố trí nơi ăn, chốn ở cho những công dân từ Ukraine quyết định “bỏ của chạy người” sơ tán sang LB Nga, Hội Người Việt Nam tại Voronezh cũng kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, để hỗ trợ ở mức cao nhất cho bà con. Lời đề nghị ngay lập tức được cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga đón nhận. Quần áo và thực phẩm mau chóng được chuyển từ thủ đô Moskva xuống Voronezh, hỗ trợ cả người Việt Nam và người nước ngoài sơ tán từ Ukraine.
Hàng hóa hỗ trợ công dân sơ tán từ Ukraine sang LB Nga. (Ảnh Facebook đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Moskva)
Yên tâm với tình hình của công dân Việt Nam từ Ukraine lánh nạn tại thành phố Voronezh, Đoàn công tác của Đại sứ quán khẩn trương tiếp tục hành trình đến tỉnh Rostov (LB Nga), đón 10 công dân Việt Nam sơ tán từ Donetsk sang LB Nga qua cửa khẩu Matveev Kurgan.
Nhìn thấy đại diện Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại thành phố Rostov trên sông Đông chờ ở cửa khẩu, đoàn người vừa trải qua quãng đường sơ tản căng thẳng bày tỏ vui mừng, phấn khởi.
Những ngày qua người Việt tại Donetsk khó có giấc ngủ trọn vẹn. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho công dân rời khỏi vùng chiến sự. Chúng tôi thật sự mừng lắm.Bà Bùi Thị Nga, một thành viên trong đoàn, nghẹn ngào nói
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, còn khoảng 40 gia đình người Việt Nam tại Donetsk. Họ dù rất muốn, song vì hoàn cảnh, chưa thể lánh nạn. Đa số vì có thành viên trong gia đình là đàn ông từ 18 đến 55 tuổi khó có thể ra khỏi Donetsk.
Đón người Việt Nam từ Donetsk sang Rostov. (Ảnh: Thanh Thể)
Hiện còn một số người Việt Nam ở Kharkov, Kherson và Mariupol (Ukraine) muốn lánh nạn sang LB Nga. Đại sứ quán và Hội đoàn Việt Nam tại LB Nga tiếp tục bám sát tình hình, liên hệ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân kịp thời rời khỏi các khu vực chiến sự.
Ngày 9/3, tại cuộc gặp với đại diện các Hội đoàn Việt Nam tại LB Nga, ông Nguyễn Tùng Lâm, Tham tán, Trưởng Ban Công tác cộng đồng (Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga) nhấn mạnh, Đoàn công tác của Đại sứ quán về bảo hộ công dân đã chủ động kêu gọi người dân từ Ukraine lánh nạn sang LB Nga, sơ tán qua các cửa khẩu giữa tỉnh Kharkov (Ukraine) và Belgorod (LB Nga), hay giữa vùng Donetsk và tỉnh Rostov (LB Nga).
Người Việt tại Nga bàn cách khắc phục khó khăn, Moskva, ngày 9/3. (Ảnh: Thanh Thể)
Trước các kế hoạch đón công dân từ Ukraine sang LB Nga thời gian tới, đại diện các cộng đồng người Việt Nam ở các thành phố Krasnodar, Kazan (LB Nga) khẳng định sẵn sàng hỗ trợ người Việt Nam sơ tán từ Ukraine.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, trong công tác đón công dân Việt Nam lánh nạn khỏi Ukraine, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt ở LB Nga có thể khắc phục những khó khăn phát sinh. Quan trọng nhất là bà con người Việt có thể “vượt qua được bom đạn, vượt qua được quãng đường khó khăn từ các vùng chiến sự” để sang LB Nga. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của LB Nga và Ukraine để tạo điều kiện tối đa cho bà con lánh nạn.
"Tên lửa bay qua mái nhà", "mất nước cả tuần", "đêm không dám ngủ"..., ký ức về những ngày tháng gian khổ có thể phải mất thời gian dài mới phai mờ. Nhưng đối với nhiều người Việt, tránh được vùng chiến sự ở Ukraine nghĩa là nguy hiểm đã ở lại đằng sau. Trong hành trình sơ tán khỏi vùng bom rơi, đạn nổ, họ may mắn có cộng đồng người Việt Nam ở các nước láng giềng động viên, hỗ trợ, để những ngày tuy gian khó cùng cực, song vẫn đủ nghị lực vượt qua.
Hành trình gian nan từ Ukraine sang Ba Lan
Khi chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, người Việt ở Ukraine buộc phải bỏ lại hết nhà cửa và tài sản sau hàng chục năm lập nghiệp ở xứ người để sơ tán sang các nước chung quanh như Ba Lan, Romania, Hungary, Séc...
Để tới được biên giới, người Việt ở Ukraine đã phải trải qua hành trình vô cùng gian nan và nguy hiểm: chen lấn, xô đẩy ở bến tàu rồi tới chặng đường hàng chục giờ đồng hồ đứng trên tàu như nêm người để rời xa nơi chiến sự, tiếp đó là đi nhờ xe hoặc đi bộ tới biên giới. Sau chặng đường nghẹt thở, họ lại tiếp tục phải chờ đợi rất lâu dưới trời rét buốt để đến lượt qua cửa khẩu.
(Ảnh: Khải Hoàn)
Trong số những người chạy sang Ba Lan, có người từng phải trải qua những ngày hiểm nguy ở Donetsk (thủ phủ của vùng Donbass), nơi chiến sự bùng phát từ năm 2014. Có người lần đầu thấy bom đạn nổ ngay bên cạnh khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đến Ba Lan an toàn và có chỗ ăn nghỉ dưỡng sức, sau mấy ngày, nhiều người vẫn còn trong tâm trạng rất nặng nề, hoang mang vì đã phải bỏ lại tất cả tài sản, đã trắng tay sau bao năm vất vả kiếm sống. Vì quá mệt mỏi về thể xác và tinh thần, đa số chỉ mong đến ngày được lên chuyến bay giải cứu về quê hương.
Chị Hương, chạy nạn sang Ba Lan từ TP Odessa cùng chồng và hai con, đã phải đứng suốt một ngày trời xếp hàng qua biên giới, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ sáng hôm sau dưới trời đầy tuyết rơi giá buốt mới tới lượt nhập cảnh.
Được về quê trên chuyến bay hồi hương ngày 9/3, chị vẫn nghẹn lời: "Sang đến Ba Lan mới biết miếng ăn giấc ngủ. Còn ở bên kia, tôi liên tục phải chạy xuống hầm trú ẩn khi có còi báo động. Ở Ba Lan mới thấy an toàn trong tình cảm bao bọc và chăm lo của bà con ở đây. May mắn vì sẽ được về trên chuyến giải cứu đầu tiên, nhưng tôi thật sự rất bất an vì tay trắng về nước sau bao năm vất vả làm ăn ở Ukraine. Mong rằng chiến tranh sớm qua và không tàn phá nhiều để tôi có thể quay trở lại Ukraine làm ăn tiếp".
Hoạt động cứu trợ của cộng đồng người Việt ở Ba Lan
Ngay từ khi biết tin có bà con chạy nạn sang Ba Lan, cộng đồng người Việt tại đây đã mở rộng vòng tay giúp đỡ. Nhiều người tạm gác công việc hằng ngày để tham gia các hoạt động tình nguyện ở cửa khẩu, tiếp tế đồ ăn, đưa đón bà con tới các nơi cư trú tạm thời. Nhiều gia đình dọn dẹp trụ sở công ty, nhà hàng, nhà xưởng và nhà riêng để làm nơi tá túc miễn phí cho bà con từ Ukraine sang.
Trong số những cơ sở tiếp đón đồng bào từ Ukraine sang có chùa Nhân Hòa, ngôi chùa do cộng đồng người Việt tại Ba Lan chung tay xây dựng vào năm 2014 và còn có tên gọi chính thức là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan. Đây là điểm đón tiếp đồng bào chạy nạn từ Ukraine đông nhất tại Ba Lan. Ban Quản lý chùa Nhân Hòa dành toàn bộ tầng trên và dưới để bà con nghỉ ngơi.
Chùa Nhân Hòa lo chỗ ăn nghỉ cho hơn 1.000 lượt người sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan. (Ảnh: Khải Hoàn)
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan tiếp tế các loại thực phẩm để nấu ăn cho hàng trăm người lưu trú tại chùa Nhân Hòa. (Ảnh: Khải Hoàn)
Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hòa và ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan (ở giữa) cùng các tình nguyện viên rất vui vì một số bà con được về trên chuyến bay hồi hương ngày 9/3. (Ảnh: Khải Hoàn)
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ: "Rất may là cộng đồng người Việt ở Ba Lan luôn có tinh thần đùm bọc lẫn nhau khi có khó khăn, có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng như các đợt dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua. Hội Người Việt Nam tại Ba Lan và cả cộng đồng có quan hệ rất tốt với chính quyền sở tại, do vậy chúng tôi được hỗ trợ tích cực khi tổ chức các hoạt động cứu trợ bà con từ Ukraine sang. Ngay từ ngày 25/2, các nhóm tình nguyện của cộng đồng đã có mặt ở cửa khẩu để cứu trợ bà con".
Ông Tuấn cho biết thêm, sau những ngày hoạt động không ngừng nghỉ từ sáng sớm cho tới cả đêm, chúng tôi chủ động điều chỉnh việc hỗ trợ bà con. Cụ thể là ngay từ cửa khẩu, chúng tôi bố trí các nhóm tình nguyện viên để hướng dẫn bà con. Nếu bà con nào có nhu cầu đi sang các nước khác, thí dụ như Đức, thì nhóm tình nguyện viên sẽ hướng dẫn bà con cách đi xe, đi tàu và tất cả đều miễn phí. Chúng tôi cũng đã liên lạc với đội tình nguyện viên bên Đức để khi bà con sang đến nơi cũng sẽ được trợ giúp chu đáo. Đó cũng là một hình thức để giảm tải gánh nặng cho công tác cứu trợ ở Ba Lan vì đây là nơi tiếp số lượng bà con từ Ukraine rất lớn so với các nước khác.
Các gia đình từ Ukraine được cộng đồng người Việt ở Ba Lan chăm lo chu đáo sau hành trình gian nan sơ tán khỏi nơi chiến sự. (Ảnh: Khải Hoàn)
Lúc chạy nạn, bà con lo lắng nhất về vấn đề an toàn. Sau khi đã sang Ba Lan, đã an toàn rồi, câu hỏi đặt ra là tiếp theo sẽ làm gì.
Nhiều bà con quan tâm đến việc làm sao về được Việt Nam khi chuyến hồi hương đầu tiên có tới hơn 1.000 trường hợp đăng ký. Dù tài sản của họ vẫn còn ở Ukraine nhưng thời gian qua họ đã chịu vất vả, áp lực quá lớn cho nên rất muốn về Việt Nam.Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan trăn trở
Một số người tiếp tục ở lại, nhất là những người có quốc tịch hay giấy tờ của Ukraine, họ liên hệ bạn bè, người thân ở các nước EU để tìm cơ hội ở lại. Do vậy, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan sẽ cập nhật các thông tin mới nhất trên báo Quê Việt của Hội để bà con theo dõi và có thể quyết định, đề nghị Đại sứ quán hay cộng đồng hỗ trợ kịp thời.
"Sau nhiều ngày cứu trợ bà con từ Ukraine sang đây, tôi và bà con ở đây cảm thấy yên tâm phần nào. Chúng tôi đã làm mọi việc để giúp đỡ bà con chạy nạn có chỗ ăn nghỉ. Tâm niệm của tôi cũng như cộng đồng người Việt ở Ba Lan là tình đồng bào là trên hết, là trách nhiệm để giúp đỡ, che chở những người rơi vào cảnh bơ vơ. Ai cùng mong bà con từ Ukraine sớm đoàn tụ, ổn định cuộc sống", ông Anh Tuấn nói
Nỗ lực bảo hộ công dân
Ba Lan là quốc gia tiếp nhận đông người Việt nhất chạy nạn từ vùng chiến sự ở Ukraine, với số lượng lên tới gần 3.000 người (theo thống kê của Biên phòng Ba Lan) tính tới ngày 9/3, chưa kể những người đi qua biên giới Ukraine-Ba Lan bằng quốc tịch Ukraine. Các cơ sở tiếp đón của cộng đồng người Việt tại Ba Lan bố trí chỗ ăn nghỉ cho gần 2.000 người.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như chỉ đạo sát sao của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân, phối hợp cộng đồng người Việt tại Ba Lan sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho bà con ngay từ khi có người Việt sơ tán sang Ba Lan.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Lithuania, ông Nguyễn Hùng. (Ảnh: Khải Hoàn)
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Lithuania, ông Nguyễn Hùng, cho biết: "Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan phối hợp cộng đồng người Việt tại Ba Lan hỗ trợ bà con sơ tán từ Ukraine được nhập cảnh, có chỗ ăn nghỉ, đồng thời theo dõi các quy định, các chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) cũng như của riêng Ba Lan liên quan đến người Việt để thông báo cho bà con".
Trong đó có quy định là cả những người nào không mang quốc tịch Ukraine mà có thẻ cư trú dài hạn tại Ukraine có thể xem xét làm đơn xin quy chế tị nạn chiến tranh tại Ba Lan hoặc một quốc gia EU khác. Những người không có thẻ cư trú dài hạn hoặc thị thực Ukraine không được phép cư trú khi làm đơn xin quy chế tị nạn mà buộc phải về nước trong vòng 15 ngày. Trên cơ sơ như vậy, bà con sơ tán từ Ukraine có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của mình, được ở lại theo quy chế của các nước EU hay buộc phải về nước.
Do chính sách của Ba Lan và các nước EU chưa nhất quán và thay đổi thường xuyên trong bối cảnh chiến tranh, cho nên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan xác định phải thường xuyên theo dõi sát sao tình hình.
Do số lượng bà con đăng ký về nước rất đông, Đại sứ quán tại Ba Lan đã kiến nghị tổ chức chuyến bay thứ 2 trong thời gian sớm nhất để tránh việc mọi người phải sơ tán quá lâu ảnh hưởng đến sức khỏe và các vấn đề khác.
Đảng, Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Chuyến bay đầu tiên đưa 287 công dân, trong đó có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền từ Bucharest (Romania) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài vào ngày 8/3. Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Bộ: Y tế, Công an, Giao thông Vận tải đã đón và thăm hỏi bà con tại sân bay.
Bà Hoàng Thị Thái (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đón cháu trở về trên chuyến bay hồi hương. (Ảnh: Thành Đạt)
Đây là chuyến bay sơ tán nhân đạo được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về, thể hiện Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện. Để tổ chức thành công chuyến bay, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời thông tin đến công dân Việt Nam và hướng dẫn công dân đăng ký về nước.
Những công dân đăng ký về nước lần này là những người sơ tán từ Ukraine sang Romania qua Moldova. Đại sứ quán đã trực tiếp đón công dân ta di chuyển từ Moldova đến hai điểm tiếp tại Bucharest và ra sân bay; đồng thời phối hợp với cộng đồng người Việt Nam tại Romania thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho công dân ta tại Romania trước khi lên máy bay về nước.
Chuyến bay thứ hai đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài ngày 10/3 với 300 công dân, trong đó có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 2 phụ nữ mang thai và nhiều người có vấn đề về sức khỏe. Chuyến bay do các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam phối hợp tổ chức miễn phí cho bà con, trên tinh thần ưu tiên cao nhất của Đảng và Nhà nước dành cho công tác bảo hộ công dân.
Theo thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước, đến sáng 10/3, còn gần 600 công dân tại Romania và khoảng 400 công dân tại Ba Lan có đăng ký nguyện vọng về nước. Các cơ quan đại diện tại Ba Lan và Romania tiếp tục nhận danh sách đăng ký của công dân có nguyện vọng về nước cho các chuyến bay tiếp theo.
Cán bộ y tế sân bay Nội Bài giúp trông trẻ cho bố mẹ các bé làm thủ tục nhập cảnh. (Ảnh: Thành Đạt)
Các cơ quan đại diện Việt Nam trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, cập nhật tình hình người Việt Nam từ Ukraine sang, hướng dẫn di chuyển an toàn, phối hợp các hội đoàn cộng đồng đón và hỗ trợ người sơ tán sinh hoạt, đi lại…
Bộ Ngoại giao đã đề nghị nhà chức trách của các bên liên quan tạo hành lang an toàn, tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người Việt Nam; đề nghị các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các nước tại địa bàn phối hợp bảo đảm các điều kiện thiết yếu, an ninh, an toàn và sơ tán kiều dân.