Nhìn từ những dự án bế tắc
Như Lao Động đã phản ánh, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (Tổng Công ty Sông Hồng) là một trường hợp điển hình trong việc thất bại cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Đơn vị này đang gần như phải “đóng băng" hoạt động khi gánh khoản nợ hơn 1.057 tỉ đồng.
Mới đây, theo thông tin Báo Lao Động nắm được, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo về việc không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu để chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý, do Chứng thư thẩm định giá là cơ sở xác định giá khởi điểm hết hiệu lực.
Trong khi đó, hàng loạt các dự án của đơn vị này suốt nhiều năm rơi vào tình trạng dở dang, bế tắc.
Như trường hợp Tổ hợp công trình đa chức năng Sông Hồng Tower, có diện tích 1,38ha tại (phường Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1, Hà Nội) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.192 tỉ đồng, thời gian thực hiện quý IV/2010 - 2013. Đến nay, dự án này vẫn đang trong quá trình trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực.
Hay dự án khách sạn Royal Sông Hồng tại TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có tổng mức đầu tư dự kiến 47,6 tỉ đồng, khởi công từ quý IV/2009 đến năm 2015 thì dừng thi công.
Ngoài ra, trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, một loạt các dự án bất động sản cũng chưa thể hoàn thiện trong suốt nhiều năm trời như: Dự án Lập quy hoạch chi tiết khu đất kinh tế địa phương tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 70 -72 An Dương, quận Tây Hồ...
Ông Trần Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng - cho biết, để giải quyết những khó khăn, nhiều lần đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Theo đó, giải pháp duy nhất hiện nay là buộc phải thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp với hy vọng thu hút được các nguồn vốn khác từ bên ngoài để vực dậy doanh nghiệp.
Một trường hợp khác cũng được Lao Động phản ánh là Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood II). Tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 9.2021 của đơn vị này lên tới gần 2.703 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2021, mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỉ đồng, thu về 4.402 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số thoái vốn giai đoạn trước đó từ năm 2016 - 2020 là 27.312 tỉ đồng, thu về 177.397 tỉ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.
Chờ đợi từ đề án mới
Vừa qua (ngày 17.3), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.
Trong quyết định này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, về các giải pháp được đưa ra, đề án này yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội.
Đề án nêu trong giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 248.000 tỉ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.