Sáng 17/3, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) phối hợp Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” . Đến dự có Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình; Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP Lý Việt Trung; Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi toạ đàm, Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết, hiện nay Sawaco đảm nhận cung cấp nước hầu hết TPHCM, trừ địa bàn huyện Củ Chi, sản lượng 1,9 triệu m3/ngày, sản lượng nước ngầm 3%. Theo chủ trương của TPHCM, Sawaco đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm.

Theo đồng chí Bùi Thanh Giang, điểm khó khăn trong việc cấp nước hiện nay là đơn vị ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân, tuy nhiên, nhiều hộ gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng. Cụ thể, tháng 2/2022, TPHCM có hơn 1,5 triệu đồng hồ. Trong đó, có 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh. Ngoài ra, cả TP có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4m3 nước.

Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang phát biểu tại buổi tọa đàm
Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang phát biểu tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, Sawaco đã xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất năm 2021 và lộ trình giai đoạn 2021 - 2023 phù hợp với lộ trình TP giao, cụ thể như: năm 2021, giảm tổng lượng khai thác từ 70.000 m3/ngày về mức 66.000 m3/ngày; năm 2022, sẽ giảm tổng lượng khai thác từ 66.000 m3/ngày về mức 60.000 m3/ngày và năm 2023, sẽ giảm tổng lượng khai thác về mức 50.000 m3/ngày.

Để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất của TP, hạn chế các tác hại của việc khai thác nước dưới đất quá mức, đồng thời đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ chính trị cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ sản xuất, đồng chí Bùi Thanh Giang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP xem xét tạo điều kiện cho Tổng Công ty được ưu tiên duy trì hoặc điều chỉnh công suất các trạm trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cung cấp nước sạch cho các khu vực chưa có hạ tầng cấp nước đầy đủ, thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch.

Đồng chí Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi tọa đàm
Đồng chí Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi tọa đàm

Đối với các công trình khai thác nước dưới đất chuyển qua chế độ dự phòng phục vụ cấp nước an toàn, đồng chí Bùi Thanh Giang đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ khi cấp phép không tính sản lượng các trạm này vào tổng sản lượng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất của Tổng Công ty, hoặc có chế độ đặc thù phù hợp, để đảm bảo duy trì được nguồn dự phòng cho TP.

Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM Huỳnh Thanh Nhã cho biết, Sở là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Hiện có 2 nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép. Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải có cam kết kế hoạch giảm hàng năm, đơn vị nào phải giảm hoặc không giảm phụ thuộc vào điều kiện thực tế, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay khu vực Bình Chánh nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên phải giảm từ từ. Qua rà soát, kiểm tra, Sở cấp phép lưu lượng khai thác giảm dần, thời hạn cấp phép tối đa 2 năm, có đơn vị 1 năm, sau thời hạn đó sẽ xem xét mới cấp lại.

“Theo khảo sát, đối với sản lượng khai thác nước ngầm của hộ dân, theo phân cấp là do UBND quận, huyện, phường, xã quản lý, đến nay tỷ lệ giảm được 81%. Liên quan đến công tác trám lấp và hỗ trợ trám lấp giếng khoan cho các hộ dân, Sở đã lập kế hoạch hỗ trợ với khoảng 100 tỷ đồng, đã trình UBND TP xem xét, nhưng ngân sách TP khó khăn nên vẫn chưa được chấp thuận.”- đồng chí Huỳnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tọa đàm, bác sĩ Cao Ngô Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, năm 2015 HCDC đã lấy mẫu 1.400 mẫu giếng khoan, khi xét nghiệm và nhận thấy, tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2 - 5%. Năm 2021, HCDC đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước không đạt cao. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới, với 99 chỉ tiêu. “Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này thì 100% mẫu sẽ không đạt” - bác sĩ Cao Ngô Lẫm cho hay.

Đồng chí Huỳnh Thanh Nhã phát biểu tại buổi tọa đàm
Đồng chí Huỳnh Thanh Nhã phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Bách khoa TPHCM, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như: Gò Vấp, Tân Bình, mực nước ngầm đã xuống tới 40m so với mặt đất. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định..

Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình ghi nhận và đánh giá toạ đàm của Báo Phụ Nữ TP phối hợp tổ chức có ý nghĩa, giúp lên tiếng để bảo vệ nguồn nước ngầm.

“Nguồn tài nguyên nước không phải vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm thì trong tương lai chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước sinh hoạt.”- đồng chí Cao Thanh Bình bày tỏ và cho biết, HĐND TP đã tổ chức khảo sát về thực trạng và nguyên nhân sử dụng nước ngầm, ghi nhận có những địa phương có đến vài chục ngàn giếng khoan.

Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi Trường, hiện đã giảm được 81% giếng khai thác nước ngầm không biết đã chính xác chưa, nếu đúng là điều đáng mừng cho TPHCM, như vậy tỷ lệ cần trám giếng không còn bao nhiêu cả. “Nhưng nếu kinh phí trám tính lên cả 100 tỷ chứng tỏ số giếng trong hộ dân còn lớn.” - đồng chí Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo đồng chí Cao Thanh Bình, TP cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về hậu quả, chất lượng nước ngầm. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp tận dụng nước mưa, vừa giảm ngập nước, vừa sử dụng nước mưa hiệu quả, đồng bộ các giải pháp sẽ giải quyết được vấn đề này. Đồng thời, cần đưa ra lộ trình giảm số lượng giếng khai thác cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng ngành. Giải pháp phải có lộ trình, trước mắt, trung hạn, dài hạn.

Đồng chí Cao Thanh Bình mong muốn các ngành chức năng có liên quan của TP vào cuộc một cách quyết liệt, người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm, vì tương lai con cháu chúng ta. “Ngành y tế đã đưa ra những khu vực ô nhiễm nước giếng, TP có thể cấm khai thác nước ngầm tại các khu vực này, vì nếu xảy ra dịch bệnh ai chịu trách nhiệm. TP đặt mình vào trong cuộc, vào thế hệ con cháu mai sau để đồng lòng chia sẻ, quyết tâm vào cuộc", đồng chí Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Tăng cường tuyên truyền người dân cùng hành động bảo vệ nước ngầm

Nghi thức ký kết hợp tác truyền thông giữa hai đơn vị

Cùng ngày, Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH Một thành viên đã ký kết hợp tác chiến lược truyền thông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tăng cường tuyên truyền về sử dụng nước sạch tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, chương trình hợp tác nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động của ngành cấp nước thành phố, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch hiệu quả tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.