Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong 2 ngày 19 và 20-3 có chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ sau khi nhậm chức. Ấn Độ và Nhật Bản có quan hệ hợp tác nhiều mặt với tư cách là đối tác trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu. 
Tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ

Trong 2 ngày ở New Delhi, Thủ tướng Nhật Bản sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ - Nhật Bản lần thứ 14. Theo hãng tin ANI của Ấn Độ, hội nghị này sẽ tạo cơ hội để hai bên rà soát và tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhật Bản và Ấn Độ: Tăng kết nối, mở rộng hợp tác ảnh 1
Dự án hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ xây dựng tuyến tàu cao tốc Ahmedabad-Mumbai sắp hoàn tất
Kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nhật Bản năm 2014, hai nước đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc thực hiện một số quyết định quan trọng. Theo hãng tin Nikkei Asia, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ yen, tương đương 42 tỷ USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch 5.000 tỷ yen đã vượt qua con số 3.500 tỷ yen đầu tư và tài trợ trong 5 năm mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2014. Thương mại hai chiều Ấn Độ-Nhật Bản trong tài khóa 2019-2020 đạt gần 12 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư lũy kế của Nhật Bản vào Ấn Độ từ năm 2000 đến năm 2019 là 32 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực ô tô, thiết bị điện, viễn thông, hóa chất, bảo hiểm và dược phẩm.

Hiện tại, có 1.455 công ty Nhật Bản tại Ấn Độ. 11 thị trấn công nghiệp Nhật Bản (JIT) đã được thành lập ở Ấn Độ. Hai nước đã ký kết quan hệ Đối tác kỹ thuật số vào tháng 10-2018. Hiện tại, các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã huy động được hơn 10 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm Nhật Bản. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã khởi động một quỹ đầu tư do khu vực tư nhân thúc đẩy để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ, đã huy động được 100 triệu USD cho đến nay. 
Vì khu vực Ấn Độ Dương tự do và rộng mở
Nhật Bản và Ấn Độ đã ký tuyên bố chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng vào năm 2015, tầm nhìn 2025. Ông Kishida, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập các nền tảng của Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu Ấn Độ - Nhật Bản. Trong các cuộc gặp cấp cao Nhật Bản - Ấn Độ, hai bên luôn đề cao các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết hòa bình các tranh chấp; ủng hộ chế độ thương mại tự do toàn cầu và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không. Hai nước cam kết làm việc vì hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến năm 2025 theo định hướng của những nguyên tắc này.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng thống nhất những điều chỉnh chính sách sau đại dịch Covid-19. Hai nước đã cùng với một số nước xúc tiến giải pháp thay thế như Sáng kiến chuỗi cung ứng Ấn Độ - Nhật Bản - Australia (RSCI) hoặc Đối tác vaccine gồm Ấn Độ - Nhật Bản - Australia - Mỹ. Về hợp tác hàng hải, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới sâu rộng hơn với các bên liên quan khác nhằm tận dụng các thỏa thuận hậu cần và chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời tăng cường khả năng tương tác giữa hải quân các nước trong khu vực. Ấn Độ và Nhật Bản còn có cơ hội đóng vai trò như cầu nối để kết nối sâu hơn giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với châu Âu, đặc biệt là Pháp. Lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ hơn và trao đổi hiệu quả, song phương và với các đối tác, để giải quyết những thách thức đang tồn tại và mới nổi trong các lĩnh vực an ninh, ổn định và phát triển bền vững.