Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc cung ứng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong bối cảnh cựu lục địa đang muốn dần giảm lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Mới đây, Bloomberg đưa tin Trung Quốc vừa bán lại một số lô hàng LNG của Mỹ cho châu Âu. Cụ thể, Unipec, chi nhánh của Tập đoàn Hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec), đã bán ít nhất 3 lô hàng LNG để giao cho các cảng ở châu Âu trong tháng 6. Các lô hàng sẽ được tải từ cơ sở xuất khẩu Calcasieu Pass của Venture Global LNG Inc. (ở bang Louisiana, Mỹ) - nơi Sinopec đã mua LNG.

Mỹ đang 'hạ bệ' Nga trên thị trường năng lượng ở châu Âu - ảnh 1

Mỹ ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu LNG

REUTERS

Nguồn LNG tăng nhanh từ Mỹ

Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine ngày càng căng thẳng song hành cùng cuộc chiến kinh tế không khoan nhượng giữa Nga với phương Tây, giá năng lượng đã tăng nhanh. Qua đó, nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Nga cũng bị hạn chế, trong khi châu Âu muốn giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Theo Reuters, tháng 2 vừa qua là tháng thứ 3 liên tục mà châu Âu trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 75% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ. Kể từ năm 2021, Mỹ đã dần trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của châu Âu, chiếm 26% tổng lượng nhập khẩu LNG của các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo số liệu của Công ty thông tin thị trường KHL. Trong khi đó, Nga đứng thứ 3 với thị phần chỉ còn chiếm 20%, Qatar đứng thứ 2 với 24%.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 1.2022, Mỹ cung cấp hơn một nửa tổng lượng LNG vào châu Âu. Tính riêng nhóm thị trường gồm 27 nước thành viên EU và Anh, lượng xuất khẩu LNG của Mỹ tăng từ mức 3,4 Bcf/ngày vào tháng 11.2021 lên 6,5 Bcf/ngày vào tháng 1.2022 (Bcf là tỉ feet khối, một đơn vị tính của LNG, 1 feet khối tương đương 28,3169 lít). Theo Bộ Năng lượng Mỹ, chỉ trong khoảng 6 tuần đầu tiên của năm 2022, có đến 60 lô LNG của nước này được vận chuyển đến châu Âu.

Cơ hội của Washington

Trong suốt nhiều năm qua, Washington đã hướng đến việc tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu. Tuy nhiên, Moscow lại có lợi thế về việc sẵn có các hệ thống cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu cho châu Âu. Bên cạnh đó, để có thể tăng cường tiếp nhận LNG từ Mỹ, châu Âu cũng cần đầu tư, thay đổi hạ tầng lưu trữ, tiếp nhận phù hợp dẫn đến chi phí tăng cao, đồng thời chi phí vận chuyển LNG qua châu Âu cũng là một thách thức.

Tuy nhiên, song hành các diễn biến chính trị ở khu vực, châu Âu thực tế cũng muốn giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Theo số liệu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố ngày 17.3, giá trị năng lượng của châu Âu nhập khẩu từ Nga đã giảm từ mức 173 tỉ USD vào năm 2012 xuống còn 108 tỉ USD vào năm 2021.

Mới đây, bà Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến khí hậu và an ninh năng lượng - Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), có bài viết phân tích rằng đây là thời điểm mà Mỹ không nên hạn chế việc đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng, nhất là với nguồn LNG ngày càng dồi dào của nước này. Theo bà Gross, dù lạm phát đang tăng cao ở Mỹ - mà nguyên nhân quan trọng là do giá nhiên liệu tăng cao, nhưng việc hạn chế xuất khẩu năng lượng sẽ làm tổn thương chính sách đối ngoại của Washington. Đây là cơ hội để châu Âu càng giảm lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Thực tế trên đã dần đẩy nhanh cơ hội để Mỹ tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu. Cơ hội càng lớn hơn khi giữa thập niên 2010, Mỹ ngày càng hoàn thiện công nghệ sản xuất LNG từ khí đá phiến. Năm 2016, Mỹ đã vận chuyển lô LNG đầu tiên được sản xuất từ khí đá phiến; dự kiến đến hết năm nay, nước này sẽ trở thành quốc gia có sản lượng xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có bài phân tích với kế hoạch bao gồm 10 điểm nhằm hạn chế sự lệ thuộc về năng lượng của châu Âu đối với Nga. Báo cáo dẫn ý kiến của bà Kadri Simson, Cao ủy châu Âu về năng lượng, nhấn mạnh: “Giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào khí đốt của Nga là một mệnh lệnh chiến lược đối với EU. Những năm gần đây, chúng tôi đã đa dạng hóa đáng kể nguồn cung của mình, xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG và các thiết bị kết nối mới. Nhưng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine là bước ngoặt quan trọng. Ủy ban sẽ sớm đề xuất một lộ trình để châu Âu trở nên độc lập khỏi khí đốt của Nga càng sớm càng tốt”. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng chính là tăng cường nhập khẩu LNG ngoài Nga, và hướng đến mục tiêu sau 1 năm thì sẽ giảm 1/3 nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga.