Nghề làm báo đã tạo ra cơ hội cho đội ngũ phóng viên đến mọi vùng miền của đất nước và đối với nhà báo Trần Tuấn sẽ càng vinh dự, tự hào, cảm xúc hơn khi được đến Hoàng Sa, Trường Sa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Sáng tạo các tác phẩm báo chí về biển đảo luôn vất vả và gian khổ hơn so với làm báo ở đất liền. Không đi không có thông tin, không có hình ảnh chân thật và sắc nét. Để đến được với biển đảo, ngoài chuẩn bị thiết bị thật tốt cần phải có sức khoẻ tốt để chịu sóng và sự thay đổi thất thường của thời tiết biển, đảo. Và điều cần hơn chính là sự say mê và tâm huyết với biển đảo, với cuộc sống của những người giữ biển luôn tiềm ẩn nhiều điều kỳ thú và hấp dẫn.
Gần 30 năm gắn bó với nghề báo, là từng ấy năm nhà báo Trần Tuấn – Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung có những bài viết sâu về biển đảo, mỗi bài viết là tình cảm, tình yêu của anh dành cho biển đảo. Khi mà người ta yêu thứ gì, thì mỗi bài viết về thường chân thật, đều gần gũi, nhẹ nhàng, đó như cơ hội được về ngôi nhà thân yêu, bình dị mà lớn lao, đi xa là nhớ.
Anh đã có nhiều tác phẩm báo chí đăng trên báo giấy, báo điện tử hay truyền hình, phóng sự ảnh nhưng với thể loại nào các tác phẩm của anh luôn thể hiện lòng yêu nước thiết tha và ý chí quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Khi được hỏi về những khó khăn mỗi lần đến với biển, đến những nơi "đầu sóng, ngọn gió", nhà báo Trần Tuấn cho rằng: Với tôi, không hề có chữ khó khăn về đề tài biển đảo, cũng như trong việc tác nghiệp tại biển đảo. Mà đó luôn là đề tài cũng như môi trường tác nghiệp đặc biệt lôi cuốn, thú vị.
Nhờ sự tâm huyết đó đã có hàng loạt tác phẩm được anh đầu tư công phu, được bạn đọc đón đợi, món ăn tinh thần quý giá, nó khiến trái tim bao người dân rung động, mở ra những xúc cảm lớn lao. Đó là tác phẩm: “Thấy và ghi từ Hoàng Sa”; “Chuyện tình của trái tim con tàu quả cảm”; “Những tay xuồng thiện nghệ giữa Biển Đông”; “Những cuộc gặp gỡ, chia tay “không giống ai” giữa thời bình”... Tất cả đều chuyển tải những quan điểm, lập trường và ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khắc họa chân thực, sinh động tinh thần kiên cường, thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của các chiến sĩ hải quân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, của ngư dân và nhân dân ta.
Đến với Trường Sa và Hoàng Sa nhiều, nhưng lần nào anh cũng nhớ như in những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp. Anh vinh dự được ra Trường Sa tác nghiệp lần đầu năm 1998 và nhiều chuyến đi khác, từ mùa biển động đến dịp Tết nguyên đán. Anh cũng được cùng một số đồng nghiệp ra thực địa Hoàng Sa tác nghiệp, trong sự kiện xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014. Đó là những niềm vui, là những dấu ấn không thể quên trong cuộc đời làm báo của anh.
“Ở đây có những vất vả, nguy hiểm trước sóng gió, điều kiện vật chất, điều kiện tác nghiệp tại biển đảo. Nhưng tôi cho rằng đó luôn là điều đương nhiên với mọi nhà báo, không đặt thành vấn đề. Vì mọi khó khăn làm sao so sánh được với những vất vả hiểm nguy thực sự của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo phải đối mặt hàng ngày”, anh Trần Tuấn tâm sự.
Có thể nói đối với anh, mỗi chuyến đi biển là làm sao thu thập được nhiều hình ảnh, tư liệu quý, tạo cơ sở có được một tác phẩm báo chí mới mẻ, sâu sắc, với những tình tiết, câu chuyện, nhân vật, vấn đề mang tính phát hiện. Bởi đề tài biển đảo vốn đã trở nên rất quen thuộc, thường xuyên với sự tham gia đông đảo của các cây bút, và các cơ quan báo chí cả nước nhiều năm qua. Nếu chỉ tác nghiệp kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" hời hợt thì sẽ không bao giờ có tác phẩm báo chí hay, mang dấu ấn riêng đề tài biển đảo.
Người làm báo tác nghiệp về biển, đảo cần tinh tế quan sát, phán đoán, kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn những nhân vật trong chuyến đi. Đôi khi, có rất nhiều chi tiết nhỏ nhưng đắt giá cần quan sát thật kỹ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ những chuyến đi, anh Trần Tuấn cho biết: Theo tôi, với đề tài biển đảo muốn có những tác phẩm báo chí tốt và hay, đi vào lòng người đọc, thì mỗi nhà báo cần phải trang bị cho mình nền tảng kiến thức, nhận thức sâu rộng, đúng đắn về biển đảo của Tổ quốc mình. Ngoài ra cần có những hiểu biết sâu sắc về mọi mặt đời sống xã hội, cộng với một tâm hồn trong sáng biết trân trọng, yêu thương. Và tất nhiên cần quá trình trải nghiệm thực tế bền bỉ, đi nhiều, quan sát, học hỏi lắng nghe nhiều, ghi chép nhiều mới tích lũy được những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện của riêng mình.
“Kinh nghiệm của bản thân tôi mỗi lần tác nghiệp biển đảo, đó là sự quan sát, hỏi han lắng nghe cả những chi tiết tưởng chừng "không có gì để viết", để rồi cộng với những tư liệu, vốn sống vốn đọc mình đã chắt lọc tích lũy được trước đó, đặt trong trường liên tưởng, so sánh, cùng với cách viết thiên về văn chương một chút. Điều đó đã giúp tôi có được một số bút ký, ký sự mà tôi cảm thấy tâm đắc” anh Trần Tuấn tâm sự.
Có thể nói, đằng sau mỗi tác phẩm viết về biển đảo của mỗi nhà báo là những hồi ức quý báu, những trải nghiệm khó quên trong đời người cầm bút… Những khó khăn trong suốt hành trình sẽ qua đi, để rồi trở về đất liền là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, giữa muôn trùng khơi, trong màu xanh thẳm của đất trời và biển cả.