Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, hiện TP.HCM có 280/312 xã phường ở cấp độ dịch 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh), 32 xã phường ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tức vùng vàng. Toàn TP.HCM không còn xã phường vùng đỏ và cam.
Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cũng theo báo cáo này, Hà Nội có 283/579 xã phường là vùng xanh, 221/579 xã phường là vùng vàng, 75 xã phường vùng cam (nguy cơ cao) và không còn xã phường nào là vùng đỏ. Thời điểm cao điểm dịch (đầu tháng 3), số xã phường vùng đỏ của Hà Nội cao hơn 4 lần so với hiện nay.
Đánh giá chung toàn quốc, hiện có 4.341 xã phường (40,9% xã phường có đánh giá) đang ở mức vùng xanh, 2.586 xã phường (24,4%) là vùng vàng, 3.267 xã phường (30,8%) là vùng cam. Còn lại vùng đỏ chỉ còn 391 xã phường.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, số mắc mới ngày 22-3 đã giảm 38,8% so với trung bình 7 ngày trước, số tử vong giảm 25,3%, số ca nặng và số đang điều trị đều giảm.
So sánh tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng gấp gần 7 lần nhưng số tử vong ít hơn 19,2%, số khỏi bệnh cũng tăng gấp gần 7 lần.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Chỉ cần ở nhà, gần 48.000 F0 ở TP.HCM đã khai báo y tế online
Theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ sau hơn một tuần triển khai thử nghiệm chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà tại tất cả trạm y tế trên địa bàn TP, hiện đã có gần 48.000 lượt khai báo của người dân mắc COVID-19 được ghi nhận trên hệ thống, trong đó cảnh báo có 731 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao cần được tư vấn và chăm sóc tại nhà.
Hệ thống cũng đã gửi cảnh báo đến nhân viên các trạm y tế 4.342 trường hợp có dấu hiệu nặng (mệt/khó thở/đau tức ngực) cần được tư vấn và cung cấp thuốc điều trị kịp thời, cũng như hướng dẫn nhập viện ngay khi có chỉ định.
Những ngày đầu sau triển khai, đã có trường hợp người dân mắc COVID-19 đã yên tâm hơn khi vào được địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn để khai báo và được xác nhận là F0, thay vì phải đến trạm y tế phường, xã để làm các thủ tục khai báo và phải mất khá nhiều thời gian do phải chờ đợi do quá đông người cùng đến một lúc.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người dân không vào được do hệ thống bị tắc nghẽn.
Hiện nay ứng dụng "Nền tảng số quản lý COVID-19" của Sở Y tế bao gồm cả ứng dụng chuyển đổi số trong khai báo F0 đã chính thức được chuyển vào Trung tâm dữ liệu dùng chung của thành phố.
Với 8 máy chủ được đảm bảo an toàn và an ninh dữ liệu, cùng với tốc độ đường truyền được cải thiện rõ rệt, việc chuyển đổi số toàn bộ công tác quản lý F0 đang từng bước được cải thiện rõ nét.
Ngoài ra, Sở Y tế đã kịp thời bổ sung thêm tiện ích phát hiện người khai báo có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ để gửi tin nhắn cảnh báo đến bác sĩ và nhân viên của trạm y tế giúp kịp thời tư vấn và can thiệp.
Đây là một trong những tiện ích khá "thông minh" của ứng dụng, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ tử vong cho các đối tượng này khi mắc COVID-19.
F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thay đổi cách quản lý dịch COVID-19
Bộ Y tế vừa cho biết đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết 38/BQ-CP ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19.
Mục tiêu của chương trình là đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình sẽ được thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài đến năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người yếu thế, người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cụ thể, Bộ Y tế đưa ra 6 mục tiêu trong thời gian tới:
1. Đảm bảo đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19.
2. Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
3. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở, tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế, tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
4. Bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19.
5. Đảm bảo thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch.
6. Đảm bảo vừa phòng, chống vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống người dân.
Trong đó, điểm mới của chương trình này là chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong, giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp nhất, thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Chương trình cũng đặt mục tiêu căn cứ tình hình dịch bệnh, chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 22-3 thông báo vừa ghi nhận thêm 16.014 ca COVID-19, trong đó có 6.169 ca cộng đồng. Trong 24 giờ, có hơn 100 ca thoát tình trạng nặng, nguy kịch. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.436); Sóc Sơn (1.360); Hai Bà Trưng (1.214); Hoài Đức (1.081); Đống Đa (1.063). Tổng số ca tử vong do COVID-19 đến nay là 1.305 người.
Đây là ngày thứ 11 liên tiếp số ca mắc trong ngày ở Hà Nội giảm. So với mốc 32.650 ca thiết lập hôm 8-3, số ca mắc ở thủ đô đã giảm hơn 16.500 ca. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay là 1.205.274 ca. Hiện có 284 ca điều trị tại khu cách ly; hơn 3.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm hơn 0,94% tổng số ca đang điều trị, theo dõi); số còn lại điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm hơn 99%).
- Yên Bái vừa ra văn bản hỏa tốc chỉ đạo điều chỉnh một số nội dung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo đó, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, Internet, trò chơi điện tử, cắt tóc, làm đẹp, bán hàng rong, bán vé xổ số dạo, cơ sở tập luyện thể dục thể thao trong nhà... được phép hoạt động trở lại.
Tính đến 18h ngày 21-3, Yên Bái ghi nhận thêm 3.755 ca mắc mới, trong đó có 1.406 ca cộng đồng... Toàn tỉnh có trên 99% người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, tiêm 2 mũi đạt 95,9%; tỉ lệ người trên 18 tuổi tiêm 2 mũi đạt trên 99%, tiêm 3 mũi đạt 92,9%.
- Khánh Hòa tính đến chiều 22-3 đã có hơn 102.000 ca COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Hiện vẫn còn 7.904 ca mắc đang điều trị tại nhà, có 352 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế. Những ngày gần đây, số ca COVID-19 giảm mạnh mỗi ngày, trong 24 giờ qua, chỉ có 1.013 ca so với trên dưới 2.000 ca đầu tuần trước. Tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Khánh Hòa đã ghi nhận trên 110.000 ca COVID-19, trong đó có 341 người tử vong.