(NLĐO) - 5 người khỏi bệnh Covid-19, trong đó có 1 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình nguyện hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

 
 

Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiến hành vận động những bệnh nhân Covid-19 đã điều trị khỏi hiến huyết tương để phục vụ nghiên cứu phương pháp điều trị mới. 

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Văn Tráng, Phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều phối chính của nghiên cứu, cho biết trong bối cảnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho Covid-19, phương pháp dùng huyết tương của người bệnh đã hồi phục được đánh giá là một hướng đi mới có tiềm năng. Phương pháp này nhằm bổ sung thêm công cụ cho bác sĩ trong điều trị, đặc biệt là những trường hợp bệnh tiến triển trung bình và nặng.

1 bác sĩ và 4 người khỏi Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân nặng - Ảnh 1.

TS Đinh Văn Tráng, Phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học Phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: N.Minh

Theo đó, người đủ điều kiện hiến huyết tương là người từ 18-65 tuổi, cân nặng trên 50 kg đối với nam và 45 kg với nữ, từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Các đối tượng này sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch.

Người nhận huyết tương là bệnh nhân Covid-19 từ 18 tuổi đến 75 tuổi được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng, đáp ứng tất cả tiêu chuẩn lựa chọn.

Phương pháp hiến huyết tương tương tự việc hiến máu song bác sĩ không sử dụng toàn bộ thành phần máu mà chỉ lấy 600 ml huyết tương, huyết tương được lọc ngay trong quá trình hiến. Số huyết tương lấy ra sẽ được bù lại bằng dung dịch huyết thanh sinh lý để đảm bảo sức khỏe cho người hiến.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này sẽ được triển khai tại các đơn vị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đà Nẵng và một số bệnh viện khác do Bộ Y tế giao nhiệm vụ.

1 bác sĩ và 4 người khỏi Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân nặng - Ảnh 2.

Huyết tương có màu vàng nhạt và được tách chiết từ máu toàn phần- Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Đinh Văn Tráng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương từ ngày 3-8-2020. Sau 2 ngày đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của bệnh viện từng mắc Covid-19 và đã được chữa khỏi. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm, sàng lọc kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương. Nhóm nghiên cứu kì vọng huyết tương của người khỏi sẽ có thể cứu các bệnh nhân nghiêm trọng thoát khỏi nguy cơ tử vong. Đồng thời, ngăn chặn bệnh nhân ở mức độ nặng hoặc trung bình nặng tiến triển trầm trọng hơn.

"Đây cũng là việc làm rất ý nghĩa, vì một người mắc Covid-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương thì có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất một bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng khác, trao cho họ cơ hội được chữa khỏi bệnh. Người bệnh đã khỏi Covid-19 có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 của bệnh viện để được tư vấn, giải đáp. Việc hiến huyết tương là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng huyết tương bất cứ lúc nào" - bác sĩ Tráng nói

Cũng theo bác sĩ Đinh Văn Tráng, vào đầu thế kỷ 20, phương pháp dùng huyết tương của người hồi phục đã được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh gây ra bởi virus như viêm đa cơ, sởi, cúm và dịch SARS năm 2003. Truyền huyết tương - dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra - có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Hiện nay việc lấy huyết tương người khỏi để điều trị Covid-19 cũng đang được thực hiện tại một số nước châu Âu và Trung Quốc.

1 bác sĩ và 4 người khỏi Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân nặng - Ảnh 3.

Sẽ vận động người mắc Covid-19 khỏi bệnh hiến huyết tương

Lý giải nguyên lý của phương pháp mới này, chuyên gia cho hay, đó chính là việc sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Người bệnh tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn. "Cho đến thời điểm này, bệnh Covid-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Phương pháp mới này sẽ là cứu cánh cho các bệnh nhân Covid-19" - chuyên gia này kỳ vọng.

Mới đây Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: "Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi". Đề tài nghiên cứu do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, và GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec, đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương...