Ngày 24/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước với chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội".
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các địa phương trên cả nước. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020), nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%). Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước...
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước:
Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
Thứ hai, cần gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…).
Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản Nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức; nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp nhà nước đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, nêu những khó khăn, vướng mắc cho tình hình khách quan cũng như các cơ chế, chính sách; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phục hồi và phát triển kinh xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách bảo đảm hiệu quả, hiệu lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước, phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, hiện thực hóa vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; đặc biệt là cần có những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể "cởi trói", tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp nhà nước có thể đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta phải suy nghĩ các khía cạnh, đó là, Nhà nước phải tạo ra một môi trường, hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước. Hệ sinh thái phát triển này phải đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chúng ta phải thay đổi tầm nhìn, tư duy và cách tiếp cận. Nhà nước phải tạo hệ sinh thái bằng cơ chế, luật pháp, quan tâm, chia sẻ, nhất quán; doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia phát triển đất nước. Nhà nước phải tạo không gian, hệ sinh thái, môi trường phù hợp để khuyến khích tạo động lực cho doanh nghiệp; ngược lại, doanh nghiệp cũng phải tham gia góp phần hoàn thiện hệ sinh thái này.
Thủ tướng nêu rõ, sau 35 năm đổi mới, doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp nhà nước có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, thực hiện sứ mệnh của mình mà doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân không làm, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, liên quan an ninh quốc phòng; tạo nhiều việc làm, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao; làm tốt công tác an sinh xã hội, nhân đạo... Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp nhà nước đóng góp tích cực cho đất nước, nhân dân trong lúc khó khăn.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước cũng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là khó khăn do khách quan như đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược, yếu tố chính trị trên thế giới tác động...; nhấn mạnh, thời gian tới, Trung ương đã xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, do đó, chúng ta quán triệt tinh thần này để đoàn kết, thống nhất vượt qua. Chúng ta phải phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị.
Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước cần góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Coi trọng nguồn lực bên trong lẫn nguồn lực bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải cân đối lợi ích giữa nhân dân và doanh nghiệp, trước mắt và lâu dài; phải nhạy bén, linh hoạt, thích ứng mọi hoàn cảnh.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Muốn vậy phải đầu tư cho khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao đạo đức trong kinh doanh; xây dựng văn hóa tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động năm sau cao hơn năm trước.
Về mục tiêu những năm tới, Thủ tướng chỉ đạo, các doanh nghiệp nhà nước phải kế thừa và phát huy những hiệu quả đã làm được những năm qua; phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh và bền vững; một số doanh nghiệp phải tạo ra phát triển đột phá, phải là "quả đấm thép", phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tăng năng suất lao động, tạo cạnh tranh tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và phải đặt ra mục tiêu cụ thể.
Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp, từng cá nhân với cương vị, vai trò, trách nhiệm xây dựng môi trường phát triển doanh nghiệp lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, hiệu quả và không tham nhũng, tiêu cực; phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, tầm quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế nhà nước là chủ đạo; tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.
Tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tính tự chủ của doanh nghiệp đi đôi với phân bổ nguồn lực, có công cụ để kiểm soát, kiểm tra; phải tạo không gian đổi mới sáng tạo, phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này. Đẩy mạnh đầu tư các hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu. Chính phủ, các bộ, ngành cùng phối hợp nghiên cứu để thay đổi tư duy đầu tư. Doanh nghiệp cũng phải đề xuất, phải làm những công trình trọng điểm có tính lịch sử; xây dựng thương hiệu và làm tốt công tác truyền thông; phải có đánh giá về thương hiệu.
Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng các vấn đề cán bộ, nguồn nhân lực, công tác Đảng, xây dựng bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính. Việc đánh giá doanh nghiệp phải đánh giá tổng thể; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nắm chắc các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là tập trung dân chủ; tập trung giải quyết các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm...