TTO - Từ chỉ đạo của UBND TP về loạt bài '1.001 chiêu giả mạo trong công chứng' trên báo Tuổi Trẻ, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp các sở liên quan cung cấp thông tin thật về nhân thân, giấy tờ nhà đất cho hệ thống công chứng.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, sở đang phối hợp Sở Tài nguyên - môi trường xây dựng hệ thống liên thông cơ sở dữ liệu công chứng- đất đai để cung cấp dữ liệu thật cho hệ thống công chứng.
Biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho hoạt động hành nghề của các công chứng viên và giảm thiểu tình trạng lọt sổ giấy tờ giả, gây thiệt hại cho những người liên quan.
Hiện đã có dự thảo kế hoạch liên tịch kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu đất đai đang lấy ý kiến của các sở liên quan.
Sở cũng đang lên kế hoạch tổ chức tọa đàm về nâng cao hiệu quả công tác phòng chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP.HCM, nhằm góp phần chấn chỉnh, khắc phục nạn sử dụng giấy tờ giả, "người giả" ngày càng phổ biến, tinh vi như hiện nay.
Đồng thời nâng cao sự cảnh giác, kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho đội ngũ công chứng viên.
Với các tổ chức hành nghề công chứng, khi phát hiện việc sử dụng giấy tờ giả hoặc giả mạo người đi công chứng, phải chuyển hồ sơ và tài liệu đến cơ quan cảnh sát điều tra, Công An TP để điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp và công an có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý theo pháp luật đối với các hành vi giả mạo trong công chứng. Chỉ đạo của UBND TP xuất phát từ loạt bài viết "1.001 chiêu giả mạo trong công chứng" đăng trên báo Tuổi Trẻ đầu năm 2020.