Các Chuyên gia kinh tế cho rằng, trước những lưu ý của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam cần phải tiếp tục gia cố sức chống chịu trước cú sốc của bên ngoài; phải đặc biệt quan tâm đến thị trường trong nước bằng cách thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát chặt chẽ thị trường...

 

Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" tháng 3/2022, trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% trong cùng thời gian, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây tác động đến nguồn cung lao động, sản xuất và tiêu dùng…

Đáng chú ý, WB đưa ra một số lưu ý đối với Việt Nam thời gian tới, cụ thể: Cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của ngành xuất khẩu trong bối cảnh mới.

Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước do giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

viet nam can tiep tuc gia co suc chong chiu cua nen kinh te truoc cac cu soc ben ngoai hinh 1

WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và duy trì đà phục hồi. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế bởi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu.

Trước những lưu ý của WB, mới đây (ngày 28/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của WB theo thẩm quyền và theo chức năng, nhiệm vụ; báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, những lưu ý của WB đối với Việt Nam là có cơ sở và ông đồng tình với khuyến nghị này.

TS Cấn Văn Lực nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn phải tiếp tục gia cố sức chống chịu trước cú sốc của bên ngoài. Thứ nhất, về lĩnh vực xuất nhập khẩu, muốn chống chịu cú sốc từ bên ngoài thì phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác bởi hiện này Việt Nam tập trung tương đối nhiều vào 6 đối tác chính chiếm khoảng 77% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Thứ hai, khối doanh nghiệp Nhà nước rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải tiến. “Như hôm vừa rồi Thủ tướng đã có cuộc họp với khối doanh nghiệp này để chỉ đạo. Tôi rất đồng tình sắp tới Chính phủ có Nghị quyết đột phá hơn nữa để cải cách mạnh mẽ hơn, thực chất hơn khối doanh nghiệp Nhà nước. Bởi điều này sẽ làm tăng sức đề kháng của nền kinh tế”, TS Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, khối ngân hàng cũng cần phải tiếp tục gia cố bởi thị trường tài chính – ngân hàng là thị trường nhạy cảm. Vấn đề này Chính phủ cũng đã nhận diện, Chính phủ đã yêu cầu tăng vốn cho hệ thống ngân hàng; cần phải xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn đối với tổ chức tín dụng yếu kém; hay như việc tiếp tục kiểm soát nợ xấu… “Những vấn đề này đã nằm trong lộ trình xử lý của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lên kế hoạch để thực hiện một cách bài bản, có hệ thống cả về trước mắt cũng như lâu dài”, ông Lực nhấn mạnh.

viet nam can tiep tuc gia co suc chong chiu cua nen kinh te truoc cac cu soc ben ngoai hinh 2

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

Phải đặc biệt quan tâm đến thị trường trong nước

Liên quan đến lưu ý của WB đối với Việt Nam về việc, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước do giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, khuyến nghị này là đúng và cần phải đặc biệt quan tâm đến thị trường trong nước.

Theo ông Vũ Vinh Phú, thời gian qua, giá cả biến động gây sức ép lạm phát do một số nguyên nhân, cụ thể là: Do đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch; Nguồn cung một số mặt hàng (phân bón, dầu mỏ…) bị đứt đoạn do xung đột Nga – Ukraina; Kinh tế thế giới dần hồi phục sau COVID-19 nên giá cả tăng lên. Do Việt Nam là nền kinh tế mở do xuất nhập khẩu gấp đôi GDP (200%), do đó, những yếu tố này đã tác động đến lĩnh vực xuất khẩu và đặc biệt là thị trường nội địa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng nêu rõ, thị trường nội địa có 2 vấn đề đó là: Hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước. Về hàng hóa nhập khẩu thì có một số nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài cho sản xuất trong nước, vì vậy, chưa chủ động được nguồn cung.

Còn đối với sản xuất trong nước, Việt Nam đã hứng chịu hơn 2 năm dịch bệnh, kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Theo đó, các chuỗi cung ứng trong nước đang dần khôi phục, người lao động quay trở lại làm việc, xây dựng hạ tầng của đất nước phát triển mạnh mẽ như xây dựng đường giao thông, sân bay… “Như vậy, rõ ràng là cầu tăng lên nhưng cung không đáp ứng được sẽ dẫn tới lạm phát. Sức ép lạm phát sẽ tác động đến sức cạnh tranh của hàng Việt, của doanh nghiệp Việt, đời sống nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc giữ lạm phát ở mức 4% là đặc biệt quan trọng”, ông Vũ Vinh Phú nói.

viet nam can tiep tuc gia co suc chong chiu cua nen kinh te truoc cac cu soc ben ngoai hinh 3

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Theo ông Vũ Vinh Phú, để đảm bảo giá được bình ổn, tránh sức ép phát sẽ vượt ngưỡng 4%, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp: Thứ nhất, cần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh tình trạng thiếu hàng hóa.

Thứ hai, là phải kết nối sản phẩm, hàng hóa với hệ thống phân phối; hệ thống phân phối cần được củng cố; hệ thống phân phối phải tử tế, chia sẻ. “Ngay như câu chuyện về giá thịt lợn, mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt thành phẩm lại không giảm. Không thể có chuyện là đơn vị phân phối giao cho siêu thị với giá như thế nào thì siêu bị bán với giá đó. Như vậy là không có sự chia sẻ, thậm chí có một số hệ thống phân phối còn thao túng thị trường”, ông Phú nêu rõ.

Thứ ba là phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong đó có chống buôn lậu xăng dầu, buôn bán hàng giả; cùng với đó là, nâng cao vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ tư là tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng, giảm dần những thống lĩnh độc quyền đối với các mặt hàng như xăng dầu, điện, nước hiện nay...