TTO - Thủ tướng Nguyễn Phúc khẳng định châu Âu là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, có tiêu chuẩn cao nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến thực thi HIệp định EVFTA - Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 6-8, Hội nghị trực tuyến về "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành và đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện các nước EU, cũng như các hiệp hội và doanh nghiệp tiêu biểu của cả Việt Nam và EU.

Hội nghị kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở 63 địa phương trên cả nước.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Nghị viện châu Âu và các nước EU đã hoàn thành phê chuẩn các Hiệp định này, hướng tới mốc son quan hệ mới từ ngày 1-8 để những điều khoản EVFTA có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang gặp nhiều khó khăn bởi tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế xã hội.

Doanh nghiệp phải đổi mới năng suất chất lượng

Nhấn mạnh đây là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn cao, theo Thủ tướng vì thế không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.

Doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới năng suất, chất lượng, vươn lên công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị tác động của đại dịch, tác động lớn tới tăng trưởng của nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… Thủ tướng đặt câu hỏi cần phải làm gì, nỗ lực ra sao để tận dụng hiệu quả các lợi ích của EVFTA và yêu cầu chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần phải hiểu cặn kẽ hiệp định để tận dụng hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thực thi của chính quyền; nâng cao hạ tầng, đặc biệt là chất lượng hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông… để tạo ra cơ hội thu hút hiệu quả EVFTA.

Ngoài ra, cần làm tốt hơn nhiệm vụ trách nhiệm xã hội, lao động việc làm, cũng như không thể đóng cửa, giữ hàng rào bảo hộ mà phải thực hiện cam kết tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Xóa bỏ rào cản kinh doanh, nâng năng lực doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì - Ảnh 2.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tính cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia hiệp định - Ảnh: Chinhphu.vn

Nhìn nhận cơ hội rất lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cơ hội cũng song hành cùng thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.

Nhìn từ kinh nghiệm thực thi hiệp định CPTPP hơn 1 năm qua, bộ trưởng cho rằng các bộ ngành và địa phương càng sớm ban hành những hoạt động cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệp định mới thực sự đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.

Tới đây cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin hiệp định theo hướng đa dạng hóa hình thức, hướng tới từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt, cần xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kiến thức sâu.

Hiệp định "có đi có lại", cân bằng lợi ích

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Tuấn Anh cho rằng cần có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực từng lĩnh vực. Đơn cử, ngành công nghiệp cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.

Các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nên các sản phẩm từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp, gắn với có chế tài với hành vi vi phạm.

"EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của ta có cơ hội lớn để xuất khẩu sang EU, ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng hóa của châu Âu.

Vấn đề là cùng với việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, phải tạo ra một môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên" - bộ trưởng nhấn mạnh.

Kế hoạch hành động với 5 nhiệm vụ trọng tâm

Trước đó, Thủ tướng đã ban hành kế hoạch thực thi hiệp định, tập trung vào 5 nhóm công việc lớn gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

NGỌC AN