Chiều 30/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 diễn ra vào thời điểm tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động; ở trong nước, toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị các cấp đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; tình hình kinh tế, vấn đề lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ án lớn về kinh tế đang được điều tra, làm rõ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần khắc phục, như: tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động không thể triển khai theo Kế hoạch; tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động năm 2021 cho biết, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 92.984 cuộc tuyên truyền với 4.097.471 lượt người tham dự, tổ chức được 598 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 7.995 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 812 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”; “Điểm bán hàng Việt”; “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”… Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã có nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, chương trình tuyên truyền phong phú, nội dung đổi mới, chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay, như: “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Bình Thuận); “Nông sản Hải Phòng hướng tới người tiêu dùng Việt”; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Cuộc vận động (Bình Dương); ngày hội “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”, mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” (Hậu Giang, Hòa Bình); mô hình “Doanh nhân đồng hành cùng hàng Việt”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang”; mô hình “Mỗi tuần giới thiệu một sản phẩm Việt Nam chất lượng cao” (Bến Tre); mô hình “Nhận diện hàng giả, hàng thật” (Hà Nội).
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và rút ra những bài học từ thực tiễn của mỗi cơ quan, mỗi địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc Vận động; về nội dung và tính hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian qua; các giải pháp triển khai Cuộc vận động để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận thị trường… Qua đó, góp phần triển khai Cuộc vận động không mang tính hình thức, thực sự được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và trở thành động lực quan trọng phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Từ ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó rà soát lại các nội dung và kế hoạch trong năm 2022. Trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi số; tăng cường các đoàn của Ban Chỉ đạo để kiểm tra, giám sát việc triển khai cuộc vận động của từng địa phương; tổ chức các chương trình tuyên dương, doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai Cuộc vận động.
Đồng chí gợi mở, Bộ Công thương cần tham mưu việc kết nối cung cầu để không còn hiện tượng nông sản Việt ùn tắc như hiện nay. Một sản phẩm cần đáp ứng nhu cầu thị trường và cần đủ sức đáp ứng được việc cạnh tranh thị trường. Ban Chỉ đạo cần cụ thể hóa các công việc phải làm trong thời gian tới, trong đó cần đẩy mạnh truyền thông và phát huy vai trò phối hợp của các cơ quan, bộ, ngành chức năng để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống.