Việc tăng giờ làm thêm giúp công nhân lao động nâng cao thu nhập, giảm áp lực kinh tế, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động được nâng từ 40 giờ lên cao nhất 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của nhiều công nhân, lao động, nhất là lao động trẻ ngoại tỉnh.

Việc tăng giờ làm thêm giúp công nhân lao động nâng cao thu nhập, giảm áp lực kinh tế, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Phía doanh nghiệp cho rằng, vào thời điểm hiện tại khi rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng thời giờ làm thêm là phù hợp, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia công đoàn cho rằng, tăng ca không phải là yếu tố chính để tăng năng suất lao động. Công nhân, lao động mong muốn tăng ca do thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, bị sụt giảm thu nhập. Tăng ca kéo dài có thể dẫn tới việc doanh nghiệp khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt sức lực, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, khi đó, mục đích năng suất lao động sẽ không được cải thiện như mong muốn. Do đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, tăng thời gian làm thêm không quá 60 giờ/tháng chỉ nên thực hiện trong một thời điểm nhất định. Về lâu dài, cần điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm sức khỏe người lao động.

Ðể thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, tối ưu hóa hệ thống quản lý, áp dụng thiết bị hiện đại, đào tạo nhiều kỹ năng cho người lao động. Chỉ khi đó, công việc của người lao động sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng hơn, không chịu áp lực. Bên cạnh đó, người lao động rất cần trang bị một sức khỏe tốt để có thể đáp ứng yêu cầu công việc hằng ngày. Ngoài ra, cải thiện môi trường làm việc (không khí, nhiệt độ, cách bố trí nhà xưởng...) cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm cải thiện năng suất.

Có thể thấy, trên tinh thần của nghị quyết, việc huy động làm thêm giờ vẫn phải dựa trên thỏa thuận với người lao động, người lao động không có nhu cầu hoặc sức khỏe không bảo đảm có thể không làm thêm giờ. Nếu người lao động vì sức khỏe hay một lý do nào đó không thể làm thêm giờ mà người sử dụng lao động áp dụng các quy định chế tài là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này, vai trò giám sát của tổ chức công đoàn là cần thiết và quan trọng. Trong đó, cần tăng cường thương lượng với doanh nghiệp để có những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động về điều kiện làm việc, thu nhập, chăm lo sức khỏe, phúc lợi khác, nhất là tham mưu, đề xuất để doanh nghiệp xem xét tính tiền tăng ca phù hợp cho người lao động.

Ngoài ra, ban chấp hành công đoàn cơ sở cần thường xuyên lắng nghe các đầu mối thông tin từ cán bộ công đoàn bộ phận về tình trạng sức khỏe, khả năng thích nghi tăng ca của công nhân, lao động; nắm chắc tình hình sức khỏe của người lao động từ hồ sơ chứng từ thanh toán bảo hiểm xã hội, từ đó có cơ sở để góp ý với chủ sử dụng lao động trong việc điều chỉnh giờ làm thêm; yêu cầu doanh nghiệp công khai minh bạch giờ làm thêm thực tế hằng ngày cũng như thỏa thuận về thời gian làm thêm  với người lao động. Thỏa thuận này sẽ được cán bộ công đoàn giám sát chặt chẽ, đưa ra kiến nghị kịp thời nếu doanh nghiệp áp dụng tăng giờ làm thêm quá nhiều.