Nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (01/4/1922 – 01/4/2022), hướng tới kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2022), chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (01/4/1922 – 01/4/2022)”.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các chuyên gia lịch sử; đại diện Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đông đảo hội viên nhà báo thuộc Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết: dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria mỗi nhà báo sẽ được sống lại một thời kỳ lịch sử, hồi tưởng về những chi tiết, những nội dung mà đối với người làm báo là bài học vô cùng quý giá.
“Báo Le Paria có ấn tượng từ tên gọi, trở thành tờ báo đại diện cho tiếng nói, diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa. Trong khoảng 4 năm đã có 38 số được ra đời, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài viết, hình vẽ rất đặc sắc” - đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nhân dịp này, đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá cao sáng kiến của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm, trưng bày để mọi người có cơ hội nhớ lại một tờ báo có vị trí vai trò rất quan trọng trong nền báo chí cách mạng.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: 100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Ma rốc… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Pari tờ báo Le Paria (Người cùng khổ).
Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là “sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu” với sứ mạng “giải phóng con người”. Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.
Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Báo đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các thuộc địa.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Tìm hiểu về Le Paria, càng thấy rõ vai trò, vị trí của Nguyễn Ái Quốc, Người chính là linh hồn của tờ báo. Le Paria với dấu mốc lịch sử 100 năm ra đời đáng tự hào. Chính vì vậy, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam rất ủng hộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện này và hướng tới kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2022), chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022 sẽ khai mạc giữa tháng 4 này.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn qua tọa đàm này sẽ tiếp tục làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí làm “công cụ sắc bén” phục vụ đấu tranh cách mạng của Người.
Tại tọa đàm, nhiều tham luận đã phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng; từ đó có thể góp phần lan tỏa ánh sáng tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh – di sản quý báu mà Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.
Chia sẻ ý kiến đóng góp tại tọa đàm, GS. Đỗ Quang Hưng nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho biết: Thời tờ Le Paria ra đời, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sáng tác những tác phẩm báo chí hấp dẫn, đó không hoàn toàn giới thiệu hay cảm nhận về truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin. Trong đó có những bài viết sâu đánh thẳng vào những chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, nổi tiếng như: Những trò lố của Va - ren và Phan Bội Châu và nhiều tác phẩm khác.
Nhà sử học Nguyễn Văn Khoan cám ơn sự cố gắng nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được phần lớn các báo Le Paria, đây là tư liệu quý trong lịch sử phát triển của nền báo chí Việt Nam. Điều này cũng mở ra cơ hội cho các cơ quan chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chuyên gia lịch sử tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, về bác Hồ, về nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Trung Kiên – giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: trong điều kiện rất khó khăn, tài chính eo hẹp để xuất bản, tồn tại nhưng đã có tới 38 số báo ra đời, đó là cả nỗ lực, thể hiện đóng góp không biết mệt mỏi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Các tác phẩm được đăng tải không chỉ tố cáo tội ác thực dân mà còn thức tỉnh nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc về kẻ thù sự tàn bạo của thực dân đế quốc.
Tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn Hội Báo toàn quốc năm 2022 có chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” tới đây sẽ có một gian trưng bày thật ấn tượng, xúc động về 100 năm báo Le Paria. Để mỗi hội viên nhà báo kỷ niệm ngày thiêng liêng này, vì đây là tờ báo khởi đầu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi mong muốn, tin tưởng Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực làm cho nơi đây thêm sống động, nơi lưu giữ ký ức của báo chí Việt Nam và của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.