Hoạt động không phép, hoặc “núp bóng” giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội…, nhiều trang mạng VN không chỉ hoạt động báo chí sai luật mà còn lưu trữ, chia sẻ phim lậu, cung cấp các dịch vụ game cho phép nạp tiền.
Đó là thực trạng song hành cùng sự bùng nổ của các trang mạng ở VN trong những năm gần đây, ẩn chứa nhiều bất ổn. Điển hình, như Thanh Niên đã phản ánh trong bài Loạn phim có “đường lưỡi bò” trên trang mạng Việt được đăng ngày 29.3, nhưng nhiều phim nước ngoài có chứa hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” vẫn tồn tại trên nhiều trang mạng VN.
Từ mập mờ… đến “núp bóng”
Thực tế, trong số các trang bị phản ánh ở bài viết trên, nhiều trang không hề được cấp phép. Bên cạnh đó, có những trang tự giới thiệu là có giấy phép hoạt động mạng xã hội (MXH) nhưng có dấu hiệu bất ổn. Điển hình trang HDVietnam giới thiệu là “Giấy phép thiết lập mạng xã hội số 55/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/01/2021”. Kèm theo đó còn có thông tin email để tiếp nhận quảng cáo. Tuy nhiên, sau khi Thanh Niên phản ánh thì dòng giới thiệu trên đã được tháo xuống.
Hai trang giới thiệu cùng một giấy phép MXH |
Mặc dù vậy, trên một trang khác là Techbiz cũng giới thiệu: “Giấy phép thiết lập mạng xã hội số 55/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/01/2021”, kèm theo thông tin email để tiếp nhận quảng cáo. Theo quy định, 2 trang mạng với 2 tên miền khác nhau và có giao diện khác nhau thì không thể có cùng giấy phép hoạt động MXH.
Tình trạng mập mờ cũng hiện diện trong phần giới thiệu của một số trang mạng khác. Ví dụ, trang Express24h có nội dung thể hiện tương tự các trang báo hợp pháp, nhưng phần giới thiệu lại khá khó hiểu: “Giấy phép số 27/GP-STTTT của Bộ TT-TT cấp ngày 14.3.2018”. Điểm bất thường là giấy phép “STTTT” thì được hiểu là do Sở TT-TT cấp, nhưng ở đây lại giới thiệu do Bộ TT-TT cấp. Đặc biệt, dù không ghi số giấy phép báo chí hay thông tin cụ thể, nhưng trang Express24h lại giới thiệu có cả “tòa soạn”.
Trang Express24h giới thiệu cả địa chỉ... tòa soạn CHỤP MÀN HÌNH |
Bên cạnh đó, là tình trạng “báo hóa” MXH khi nhiều trang mạng dù chỉ nằm trong danh sách được cấp phép MXH của Bộ TT-TT, nhưng đã hoạt động như báo chí được cấp phép. Điển hình, về kinh tế doanh nghiệp thì có các trang như Thuongtruongplus, doanhnghiepvadoanhnhan, truyenthong24h… đăng tin bài, phân tích và tổ chức như các báo, tạp chí chuyên ngành kinh tế, tài chính. Tương tự, trang Bestlife không chỉ đăng các tin tức thị trường mà còn phân tích cả tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Hay trang Vanhoavadoisong thì giới thiệu cả cơ cấu “chịu trách nhiệm nội dung” là một người đi kèm danh xưng “nhà báo”, cùng với cả nhân sự nắm chức danh “thư ký tòa soạn”.
Trang 568play có giấy phép MXH tích hợp cả tính năng chơi game nạp tiền |
Đáng lo hơn, trong số các trang nằm trong danh sách được cấp phép MXH, có trang 568play chuyên cung cấp dịch vụ game kèm theo chức năng “nạp tiền”.
Nhiều lỗ hổng
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT, Bộ TT-TT), cho biết các quy định pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập, còn những kẽ hở nên mới tạo ra tình trạng “báo hóa” các trang TTĐT, MXH.
Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện có 1.750 trang TTĐT tổng hợp do cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay các cơ quan báo chí quản lý. Trong đó, các trang TTĐT tổng hợp thuộc các doanh nghiệp có dấu hiệu “báo hóa” nhiều nhất. Dấu hiệu chung là sử dụng tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, thiết kế giao diện, chuyên mục cũng như báo chí. Vấn đề ở chỗ hiện các quy định về tên miền chưa rõ, nên khi cơ quan quản lý cấp phép cho các trang tin điện tử cũng rất khó chứng minh là tên miền gây nhầm lẫn.
Thực tế các trang TTĐT tự sản xuất tin bài rồi chuyển cho cơ quan báo chí, hoặc đăng lại ngay từ một số trang báo để hợp thức hóa nguồn tin. Theo Nghị định 72/NĐ-CP ban hành từ năm 2003, lỗ hổng lớn là cho phép trang TTĐT tổng hợp đăng sau báo, nhưng không nói rõ là đăng lại sau bao lâu. Vấn đề ở chỗ, các trang này đăng lại bài từ các tạp chí, nhưng thực chất đã chi phối luôn cả tạp chí đó, có đội ngũ phóng viên, cộng tác viên sản xuất tin bài chứ không thuần túy lấy lại bài của tạp chí, cơ quan báo chí đó.
Tương tự, MXH hoàn toàn không được phép hoạt động như cơ quan báo chí, nhưng những MXH có ý đồ “báo hóa” đều thiết lập giao diện như một tờ báo điện tử. Thực tế, có một số MXH lập ra, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra không mở tính năng cho người dùng đăng ký tài khoản hay comment, đăng nội dung chia sẻ, mà doanh nghiệp - chủ MXH tự đăng tải nội dung. Nhiều trường hợp còn lấy luôn danh nghĩa phóng viên đi tác nghiệp.
Theo lãnh đạo Cục PTTH-TTĐT, hiện các quy định quản lý các trang TTĐT, MXH vẫn còn bất cập, địa phương khi xử lý tình trạng “báo hóa” còn hạn chế, hầu hết chỉ mới nhắc nhở. “Hầu hết các địa phương chỉ nhắc nhở do các quy định pháp luật chưa rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta chờ quy định thì việc “báo hóa” trang TTĐT, MXH lại càng nhức nhối và dễ bị lợi dụng hơn”, ông Tự Do nêu.
Gắn hệ thống giám sát MXH
Để khắc phục các bất cập này, Nghị định 72 sửa đổi đang được trình Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm nay. Theo đó, sẽ làm rõ các nội dung về trang TTĐT, quy định chi tiết khi đăng lại bài báo như có tên tác giả, bài báo gốc, có link gốc. Đồng thời, siết lại nhiều vấn đề còn hổng trong quản lý trước đây dẫn đến tình trạng “báo hóa”, như việc trích dẫn phải tránh các nội dung kinh tế, chính trị; không được lấy danh nghĩa phóng viên, cơ quan báo chí để tác nghiệp. Cơ quan báo chí liên kết với các trang TTĐT phải chịu mọi trách nhiệm nội dung hợp tác sản xuất.
Ông Tự Do cho biết theo dự thảo sửa đổi, đối với MXH, phải được cấp phép và gắn hệ thống giám sát. Hiện nay, có 870 MXH từ rất nhỏ chưa có người sử dụng đến hàng chục triệu người sử dụng như Zalo. Cơ quan quản lý sẽ tập trung vào 10% MXH có lượng người dùng lớn để gắn hệ thống giám sát, tránh tình trạng lập ra MXH mà không có người tham gia, chỉ có admin (chủ trang) viết bài. Ngoài ra, MXH được cấp phép mới có tính năng livestream hoặc làm hợp đồng phát sinh doanh thu.
Công cụ giám sát với MXH
Theo dự thảo Nghị định 72 sửa đổi, sẽ bổ sung thêm trách nhiệm với MXH trong nước như tạm khóa, xóa các nội dung vi phạm pháp luật trong thời gian chậm nhất 3 giờ khi có yêu cầu từ Bộ TT-TT và các Sở TT-TT địa phương; phải có bộ lọc tự động để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên MXH; không cho phép thành viên lợi dụng MXH để thực hiện hoạt động báo chí (theo khoản 3 điều 2 luật Báo chí).
Các chủ kênh/tài khoản có lượng người sử dụng từ 10.000 người trở lên phải đăng ký MXH; chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải bao gồm cả bình luận của người dùng...
Liên quan đến bài viết về Loạn phim có “đường lưỡi bò” trên trang mạng Việt, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, đã đề nghị PV Báo Thanh Niên gửi phản ánh về các trang mạng có lưu trữ các phim trên và cũng đã phản ánh việc có trang trong số này nhanh chóng đổi tên miền.
Mai Hà