Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, chính xác cho báo chí có ý nghĩa quan trọng nhằm định hướng dư luận, bớt các tin giả, tin thiếu chính xác, việc cung cấp thông tin kịp thời còn góp phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Công khai thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời
Trong đời sống kinh tế xã hội, báo chí giữ vai trò quan trọng tham gia vào quá trình giám sát, phản biện và quản lý xã hội nên việc nhà báo tìm hiểu thông tin, lựa chọn thông tin xây dựng bài viết là nhiệm vụ quan trọng của báo chí.
Đối với những vấn đề nóng, liên quan đến tồn tại, sai phạm, tiêu cực khi các cơ quan báo chí phản ánh, làm rõ sẽ làm cho người dân tin tưởng vào cơ quan quản lý nhà nước hơn, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sớm được đưa ra công luận thì họ sẽ phải tìm cách khắc phục sớm, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, dẫn đến nhiều tình huống hiểu nhầm, hiểu sai và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của người phát ngôn ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương khi cung cấp thông tin thì vẫn còn nhiều cơ quan đơn vị thực hiện việc ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin hình thức, thậm chí là né tránh. Một số người phát ngôn chưa am hiểu về báo chí, ngại tiếp xúc với báo chí, còn lúng túng, thậm chí cung cấp thông tin cho báo chí một cách hời hợt, đại khái…
Ngày 09/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều bộ, ban, ngành và nhiều tỉnh thành đã các quyết định về thực hiện và hướng dẫn công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, việc xử lý thông tin báo chí.
Như tại Bộ Công an, trong thời gian qua việc truyền tải, đăng tải công khai thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời đã góp phần quan trọng cho mọi hoạt động của đời sống xã hội và trong Công an nhân dân.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, thông tin báo chí được phản ánh chính xác, kịp thời sẽ giúp cho công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự.
Về cơ sở pháp lý, Bộ Công an ban hành thông tư về “Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Công an nhân dân” đã tạo nên hành lang pháp lý để Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương tổ chức hiệu quả hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong việc chỉ đạo và thực hiện công khai minh bạch các hoạt động của ngành Công an. Qua đó, đã giúp cho các cơ quan báo chí và nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống, chính xác, kịp thời.
Phải thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về công tác truyền thông
Tại thành phố Đà Nẵng, với khoảng 120 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú với gần 800 phóng viên đang hoạt động báo chí việc cung cấp thông tin cho báo chí sẽ góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách, thành tựu của TP Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết: Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cần được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng quan tâm, thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, có chiến lược linh hoạt để phù hợp với xu thế truyền thông hiện nay.
“Làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan báo chí. Qua đó, báo chí sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh TP Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, là kênh thông tin đa chiều, phản ánh thực trạng, những điều tiêu cực trong các lĩnh vực để lãnh đạo TP Đà Nẵng đối chiếu và kịp thời xử lý”, bà Nguyễn Thu Phương cho hay.
Tương tự tại Hà Nội, thực hiện theo quy định của Chính phủ, UBND TP đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội năm 2018.
Đến nay thành phố Hà Nội vẫn duy trì tổ chức họp báo theo quy định tại Điều 41 Luật Báo chí. Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên. Việc trả lời phỏng vấn trên báo chí được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Báo chí. Ngoài ra việc cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban bao chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu.
Có thể nói việc các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, có kỹ năng, kinh nghiệm về việc tiếp xúc báo chí sẽ góp phần đưa thông tin chính thống, đầy đủ đến được với người dân sớm hơn. Ở nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn cho cán bộ ở cơ sở, các ngành chức năng về cung cấp thông tin cho báo chí sẽ hạn chế được những phát ngôn thiếu chuẩn mực, phát ngôn trong lúc chưa chuẩn bị, nóng giận vô tình gây ra những hậu quả không mong muốn khi báo chí đăng thông tin.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, vẫn còn những trường hợp lãnh đạo cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tìm cách né tránh trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí. Nguyên nhân trước hết có thể là do họ chưa tìm hiểu nên không hiểu về Luật Báo chí, chưa hiểu rõ về quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí.
Mặc dù các quy định về việc cung cấp thông tin báo chí đã có, nhưng quy định về chế tài đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thẩm quyền nếu cố tình không trả lời thông tin trên báo chí thì chưa có quy định rõ về chế tài. Việc cần phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có thể là xử lý về mặt hình sự cũng chưa có quy định cụ thể. Trường hợp cơ quan, đơn vị cố tình không cung cấp thông tin, hoặc cung cấp nửa vời vô tình tạo ra sự thiếu minh bạch trong xã hội.
Mới đây tại hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước Quí I/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Về lĩnh vực báo chí, thay đổi quan trọng nhất trong năm 2022 là, thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về công tác truyền thông. Truyền thông là một việc, một nhiệm vụ, một chức năng của chính quyền các cấp, nó giống như là đầu tư, là giáo dục, y tế, ... các bộ ngành, địa phương phải tổ chức bộ phận chuyên trách về truyền thông".