Ở tỉnh Kiên Giang, Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương sở hữu báu vật “có một không hai”.
Được nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng lần đầu vào năm 1957 để tưởng nhớ những vị Vua Hùng có công dựng nước, đến nay tròn 65 năm, Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tọa lạc thị trấn Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) không chỉ là một trong những Đền Hùng lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn sở hữu báu vật “có một không hai”.
Sau nhiều lần trùng tu nhưng ngôi đền vẫn rất khiêm tốn về kiến trúc. Tuy chỉ rộng 80m2, nhưng năm 2010, Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Kiên Giang là 1 trong 9 địa điểm trong cả nước được chọn tổ chức Lễ hội quốc gia Giỗ tổ Hùng Vương.
Đặc biệt, năm 2016, khi vừa đưa vào sử dụng ngôi đền mới có tổng giá trị xây dựng gần 60 tỉ đồng với kiến trúc hoành tráng, nhưng người dân và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vẫn thống nhất giữ gìn ngôi đền cũ bởi bên trong chứa đựng báu vật “có một không hai”. Điều này không chỉ được thể hiện qua cách bày trí trang nghiêm, mà còn bởi ý nghĩa thâm thúy mà các bậc túc nho dày công tạo dựng.
Đền được thiết kế theo kiến trúc 3 gian, tái hiện phần hồn của Đền Hùng Phú Thọ vốn có 3 đền là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Trong đền có 3 ngôi thờ. Ngôi giữa thờ các vua Hùng, hai bên thờ các vị minh quân và “Cửu huyền thất tổ”.
Đây là điểm khác biệt so với nhiều Đền Hùng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng khác biệt hơn là ý nghĩa thâm sâu từ những hoành phi, câu đối mà các bậc tiền bối đã chắt lọc, tạo dựng nên. Bàn thờ các vua Hùng là bàn thờ chính, được các lão làng lúc bấy giờ khắc dòng chữ đầy tự hào dân tộc: “Lịch triều chư thánh vương thánh vị” như lời khẳng định “vị thế bất khả xâm phạm” của triều đại Hùng Vương. Các bộ hoành phi, liễn đối trong ngôi đền cũng mang ý nghĩa ngợi ca, tôn vinh công đức vô biên của Quốc tổ:
“Đức triệu sơn hà hùng cứ Văn Lang xuân tuyệt đối
Công sinh chủng tộc vương ân Hồng Lạc tụng vô biên”.
Đặc biệt, ở vị trí trang trọng nhất ngôi đền, bày bức đại tự mang hàm nghĩa rất độc đáo: “Khắc phối thượng đế” (tạm hiểu là ngang hàng thượng đế). Đây là một điển tích trong sách “Đại học” – một trong “Tứ thư” (4 quyển sách kinh điển của Nho học Trung Quốc, gồm: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử). Trong Đại học có ghi: “Ân chi vị táng sư, khắc phối thượng đế - nghi giám vu Ân, tuấn mệnh bất dị”. (Nhà Ân (lúc thịnh trị) luôn được xem ngang hàng thượng đế... ý muốn nói đến triết lý quản trị: Được lòng dân – sẽ được nước...). Đây là sự so sánh thể hiện tinh thần tự hào dân tộc: Vua Hùng ngang tài, ngang đức với nhà Ân - triều đại đầu tiên của Trung Quốc.