Anh Huỳnh Thanh Vũ, công nhân phân xưởng Cơ điện, Xí nghiệp Bao bì Liksin vận hành sáng kiến cải tiến của mình vào sản xuất. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Từ trăn trở thành hành động
Đưa chúng tôi đi một vòng tham quan các sáng kiến của mình và đồng nghiệp đã được đơn vị cho phép thực hiện, anh Đào Anh Vũ, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật máy, Xưởng chế biến thực phẩm, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) không giấu được tự hào. “Nếu dây chuyền này chưa được cải tiến, có lẽ trong cao điểm dịch Covid-19 ở thành phố vừa qua, chúng tôi không đủ sản phẩm cung cấp cho người dân”, anh Vũ chia sẻ.
Theo anh Vũ, trước đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty phải bố trí 22 công nhân trong một ca, có những vị trí phải cần tới 5-6 người và phải tăng ca liên tục. Thời gian làm việc kéo dài, nhiều vị trí phải thao tác thủ công nên rất mất sức lao động mà năng suất không cao. Từ thực tế này, Tổ Kỹ thuật máy, Xưởng chế biến thực phẩm đã chủ động cải tiến dây chuyền, thay đổi quy trình thành phẩm lon đồ hộp, giúp cải thiện dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, năng suất lao động tăng cao, giảm nhân công chỉ còn 11 người, những vị trí 5-6 người nay chỉ còn 1 người điều khiển. Điều làm anh em kỹ thuật nhẹ lòng nhất là không còn phải chứng kiến người lao động mướt mồ hôi bê những thùng đồ hộp từ công đoạn này sang công đoạn khác để xử lý. Hiện nay, tất cả công việc đó đều được chạy trên băng chuyền.
Cùng trăn trở, anh Đặng Ngọc Phát, nhân viên Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước thải, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM đã có nhiều sáng kiến cải tiến. Một trong những cải tiến của anh là gia công chế tạo Cầu Elip nạo vét cống. Trước đây, công nhân phải chui vào lòng cống nạo vét bùn đất. Đặc biệt, nếu công việc diễn ra vào thời điểm triều cường hoặc ban đêm, độ mất an toàn, nguy hiểm càng tăng. Trước những khó khăn ấy, anh Phát đưa ra cải tiến, công nhân không phải chui vô miệng cống nạo vét bùn đất, năng suất cao hơn và thời gian làm việc được rút ngắn.
Lắng nghe, tạo điều kiện đưa vào ứng dụng
Tại các phân xưởng sản xuất trong Xí nghiệp Bao bì Liksin (chi nhánh Tổng công ty Liksin) hầu hết các thiết bị máy móc đều cũ. Trong đó, nhiều công đoạn phải làm thủ công, nên phế phẩm nhiều làm tăng chi phí, giảm năng suất lao động.
Trước yêu cầu bức thiết đó, nhân viên Phân xưởng Cơ điện cho ra đời thiết bị một lúc “cân” được cả 5 công đoạn trên một băng chuyền (trước đây chỉ 1-2 công đoạn/dây chuyền) bằng cách nối dài thành máy để lắp đủ các bộ phận cần thiết. Thiết bị đã loại bỏ các công đoạn thủ công, giúp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất. “Anh em kỹ thuật tận dụng linh kiện, thiết bị sẵn có để cải tiến và tạo ra được sản phẩm chạy phà phà. Nguyên liệu đưa vào đầu này, chỉ một băng chuyền là cho ra thành phẩm, ngon lành”.
Ở một vị trí khác, anh Lê Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM), có hàng chục sáng kiến, cải tiến và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học góp phần phát triển, hiện đại ngành điện của thành phố. Trong đó, giải pháp Xây dựng hệ thống SCADA Trung tâm đáp ứng yêu cầu vận hành sử dụng phần mềm Survalent đã đưa vào vận hành từ xa tại 52/55 trạm, trong đó 11 trạm không người trực. Giải pháp này giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Gắn bó với đơn vị qua 20 năm và có hàng chục sáng kiến.
Một điểm chung dễ nhận thấy ở từng cá nhân, đơn vị có các giải pháp, sáng kiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói trên là ý thức trách nhiệm đối với công việc. Ở đó, mỗi người đều có những trăn trở trong công việc, từ đó có ý tưởng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, việc tiếp sức từ cơ quan, đơn vị cũng rất quan trọng, giúp nuôi dưỡng, khơi dậy và tạo động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo để công nhân, kỹ sư tự do sải cánh trên bầu trời lao động.
Anh Đặng Ngọc Phát, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, chia sẻ, hầu hết các sáng kiến, cải tiến của anh hay người lao động trong công ty đều được lãnh đạo đơn vị lắng nghe, xem xét và tạo điều kiện để thực hiện, đưa vào ứng dụng.
Ông BÙI NGUYỄN NAM KHAI, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Liksin: Đào tạo, tạo động lực nghiên cứu
Từ nhiều năm nay, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo đã mang lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị thuộc Tổng Công ty Liksin. Để giúp người lao động nâng cao tay nghề, thỏa sức sáng tạo và cống hiến, hàng năm, Liksin đều lên kế hoạch đào tạo công nhân kỹ thuật, tạo động lực nghiên cứu, sáng tạo trong đội ngũ lao động của đơn vị.
Ông NGUYỄN MINH TRUNG,Tổng Giám đốc Công ty CP In số 7:
Khen thưởng để thúc đẩy sáng tạo Lao động sáng tạo là chìa khóa để đơn vị luôn đổi mới và tăng trưởng. Hoạt động sáng tạo cũng giúp người lao động phát huy được tiềm năng để hoàn thiện công việc, tạo thêm văn hóa kết nối, từ đó nâng quy mô sáng tạo.
Thực tế, có sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả thấy rõ, cũng có sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả vô hình và tác động lâu dài. Đặc biệt, những cải tiến ở công việc cụ thể của người lao động, giúp hình thành quy trình làm việc, sản xuất ngày càng tối ưu hóa năng suất. Vì vậy, công ty luôn chú trọng thực hiện hoạt động thúc đẩy sáng tạo như khen thưởng, tạo điều kiện kịp thời cho các ý tưởng mới.
|
THÁI PHƯƠNG - PHƯƠNG UYÊN