Đau xót vì những "con sâu" đang làm hỏng "nồi canh" nhưng đau xót hơn nữa khi chúng ta đang mất dần niềm tin nơi độc giả do sự “lạm quyền” của một bộ phận phóng viên trong tác nghiệp. Những người làm báo, có bao giờ tự hỏi mình: "Ngưỡng" nào cho quyền lực thứ 4?
1. Với sứ mệnh cung cấp thông tin, đấu tranh chống tiêu cực, định hướng dư luận xã hội...báo chí đã sớm trở thành một lực lượng đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, cửa quyền.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đồng hành cùng các y bác sĩ, các lực lượng công an, bộ đội...báo chí cũng luôn là lực lượng xung kích trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch covid-19. Nhưng nói đi thì phải nói lại, những vụ việc phóng viên bị bắt với tội danh “cưỡng đoạt tài sản” vừa qua rất khó chấp nhận. Điều đáng bàn là, thực trạng một số phóng viên quấy nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không phải là chuyện mới. Việc trả giá cho hành vi này bằng những bản án của pháp luật cũng không còn là chuyện hy hữu trong nghề. Nhưng vì sao đến nay hiện tượng này vẫn không hề thuyên giảm?
Thậm chí, theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông): Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt những vụ việc như vậy có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua. Việc tăng thể hiện qua một vài khía cạnh. Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước nhận được nhiều phản ánh hơn của các cơ quan, tổ chức qua đơn thư, đường dây nóng. Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã vào cuộc, đã bắt một số trường hợp vi phạm pháp luật về hình sự, trong quá trình tác nghiệp đã tống tiền cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cách thức thực hiện cũng phong phú, bài bản hơn, trong đó có sự phối hợp của phóng viên cơ quan báo chí với nhau, phối hợp liên kết giữa phóng viên cơ quan báo chí với đối tượng không hoạt động báo chí và kết hợp giữa thông tin trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội để gây sức ép cho cơ quan, tổ chức.
2. Tôi rất sợ sự nhầm tưởng về quyền lực của một số phóng viên khi làm nghề. Từ khi quan niệm của một số nước phương Tây cho rằng trong đời sống xã hội, báo chí có vai trò như “quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) được du nhập thì một số người làm báo ở Việt Nam lạm dụng “quyền lực” này để hành nghề mà bất chấp quy tắc, đạo đức.
Không chỉ là những vụ việc đã thành án mà tiềm ẩn trong tác nghiệp của một số phóng viên còn là những mánh khóe, những cách thức tống tiền mang danh người cầm bút cũng “muôn hình vạn trạng”, biến hóa khôn lường.
Có thể, những vụ bắt bớ phóng viên hay kiểu vòi vĩnh doanh nghiệp chỉ có ở một bộ phận phóng viên nào đó, rơi vào một vài cơ quan báo chí. Dù cho đó chỉ là vết đen trên bức tường sáng thì cũng không thể xóa đi được những thành kiến về người làm báo trong con mắt của công chúng thời gian này. Điều gì khiến một số người làm báo ngày càng trở nên đáng sợ trong con mắt của người dân, doanh nghiệp? Điều gì khiến một bộ phận người làm báo bẻ cong ngòi bút, quên đi trách nhiệm của mình dẫn đến vị thế, hình ảnh nghề nghiệp bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng?
3. Có người đưa ra lí do vì Internet phát triển, báo chí phải chạy đua thông tin, rồi lí do về bài toán kinh tế báo chí đã dẫn đến áp lực về đồng tiền, về lợi ích... Nhưng với bất cứ lí do gì thì cũng không thể ngụy biện cho các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, làm ảnh hưởng đến danh dự của những người làm báo cách mạng. Thẳng thắn mà nói, nguyên nhân chính và đầu tiên phải nhắc đến chính là sự buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí và của đơn vị chủ quản của cơ quan báo chí. Điều này dẫn đến tình trạng tòa soạn thiếu kiểm soát hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Chống tiêu cực trong xã hội lại rơi vào bẫy tiêu cực do chính mình sắp đặt là bài học cay đắng cho một số người cầm bút, cũng là lời cảnh tỉnh đáng giá cho những kẻ luôn nghĩ rằng, làm báo thì có quyền dọa nạt, uy hiếp, vòi vĩnh, trục lợi... Tình trạng trên cần phải được chấn chỉnh để không làm ảnh hưởng xấu tới đội ngũ những người làm báo chân chính.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế Đô Thị cho rằng, đây là báo động đỏ về đạo đức nhân cách của người làm báo, báo động tình trạng “lạm quyền” của một số phóng viên...Giải bài toán này, ông Đức đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu toà soạn. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc quản lý phóng viên. Nếu kiểm soát và có chế tài quyết liệt, có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ như báo cáo đề tài, báo cáo nội dung phản ánh, báo cáo lịch trình cụ thể trong công việc...thì chắc chắn sẽ không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đó. Ngoài ra, các tòa soạn cần tích cực có những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên được thường xuyên hơn nữa. Tất nhiên, trong câu chuyện này, Tổng biên tập Nguyễn Minh Đức cũng đặt ra vấn đề ngược lại, phía các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng cần phải thượng tôn pháp luật. Khi làm đúng, sẽ không có kẽ hở cho bất cứ phóng viên nào lạm quyền để trục lợi...
Câu chuyện về lạm quyền có lẽ cần được giải từ gốc. Tức là ngay từ cách dùng người, cách giao việc của mỗi cơ quan báo chí. Cũng đã đến lúc nhìn nhận và cho đây là thời điểm để người đứng đầu cơ quan báo chí nhìn lại, chậm lại, chấn chỉnh hoạt động tác nghiệp của phóng viên trong cơ quan. Không phải cứ xông pha, năng động là làm điều tra bạn đọc, là chống tiêu cực. Phân việc và phân vai theo từng cấp độ, trình độ cũng là cách hạn chế tối đa những hành vi dẫn đến sai phạm. Nói như vậy không có nghĩa là giảm bớt tính chiến đấu của báo chí mà thiết nghĩ trên bất cứ mặt trận nào cũng cần phải làm từng bước, không thể đốt cháy giai đoạn. Một sinh viên ra trường, vừa vào cơ quan, vừa cầm bút thì phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc không chỉ từ nghiệp vụ mà còn phải có thời gian và trải nghiệm để tu dưỡng về lập trường chính trị, rèn luyện đạo đức...
Có thể nói, qua những vụ việc cụ thể, đã đến lúc việc rèn luyện trình độ, đạo đức, tự trọng đối với những người làm nghề trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đến lúc quy trách nhiệm vào người đứng đầu cơ quan để mỗi tòa soạn buộc phải có chế tài hạn chế sự lạm quyền từ ngay chính tòa soạn của mình, trước khi quyền lực ấy "tự tung tự tác". Có như vậy, mới tránh những rủi ro đáng tiếc, cũng dập tắt những tham vọng dùng quyền lực nghề nghiệp để trục lợi của một số người làm báo tha hóa đạo đức.
Khi càng có quyền lực thì càng phải cẩn trọng, càng là những người được tin cậy thì càng phải nỗ lực để không phụ sự tin tưởng ấy. Tôi vẫn có một niềm tin tưởng rằng, những vi phạm trên chỉ có ở một số phóng viên, một số tòa soạn, còn những người làm báo chân chính vẫn nhắc đến công việc bằng niềm tự hào về những gì mình làm, vẫn lăn xả với từng “điểm nóng” trên các mặt trận, vẫn theo đuổi nghề nghiệp bằng sự cống hiến và tin yêu.