Số vốn cam kết đầu tư 17 tỷ USD kỳ vọng giúp hai huyện cửa ngõ Tây Bắc TP HCM "cất cánh" với điều kiện chính quyền đồng hành, cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Sau 18 năm bị "treo", dự án công viên Sài Gòn Safari với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD hy vọng "hồi sinh" khi Tập đoàn Sovico ký biên bản ghi nhớ thoả thuận đầu tư với UBND huyện Củ Chi hôm 12/4, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Đây là một trong hơn 30 dự án được các doanh nghiệp hứa hẹn đầu tư tại hai huyện ngoại thành này với tổng số vốn nhiều tỷ USD. Các dự án trải dài trên nhiều lĩnh vực: khu đô thị, dân cư; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ; giáo dục; logistics; môi trường, du lịch. Sự kiện này được kỳ vọng đánh thức "con rồng đang ngủ", như ví von của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
17 tỷ USD được đánh giá là số vốn đầu tư chưa từng có trong lịch sử phát triển hai huyện Hóc Môn, Củ Chi. Nếu các dự án cam kết thành hiện thực, đây sẽ trở thành "bước ngoặt lịch sử", giúp khu vực thay đổi diện mạo, trở thành cực phát triển mới của TP HCM, như mong muốn của người đứng đầu Đảng bộ hai huyện.
Bí thư Hóc Môn Trần Văn Khuyên nói rằng, nhiều năm qua hai huyện vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng vốn có. Hy vọng một phần các dự án đã ký thoả thuận sớm thành hiện thực, trở thành động lực phát triển cho hai địa phương. Tuy nhiên, ông nhìn nhận đây mới chỉ là bước đầu, bởi các dự án sẽ không thể triển khai nếu quy hoạch tại đây không sớm được điều chỉnh cho phù hợp.
"Nếu không gỡ vướng mắc về quy hoạch thì các dự án không thể triển khai được", ông nói và đề xuất huyện Hóc Môn chỉ nên có 3 đồ án quy hoạch là hợp lý. Một là phát triển đô thị; hai là khu vực du lịch sinh thái và nông thôn; và ba là chồng lấn giữa đô thị và sinh thái để làm hành lang phát triển, bảo vệ không gian xanh cho thành phố.
Bí thư Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho hay huyện này còn nhiều nguồn lực về đất đai để phát triển. Đây là địa phương có diện tích đất tự nhiên đứng thứ hai TP HCM, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 70%. Song, thành phố cần sớm điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch chung để phủ và triển khai quy hoạch 1/2000. Điều này không chỉ giải quyết các vướng mắc phát triển của Củ Chi, mà còn giúp địa phương quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả.
"Nếu không ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền kịp thời sẽ hình thành các khu dân cư nhếch nhác, phá vỡ quy hoạch", ông Thắng nói và mong muốn có nhà tư vấn, lập quy hoạch tâm huyết để phát triển Củ Chi thành thành phố trực thuộc thành phố, mang đặc trưng của đô thị sinh thái, thông minh.
Hiện, TP HCM nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, trong đó nghiên cứu mở rộng phạm vi đô thị của hai huyện theo hướng lên quận hoặc thành phố, trở thành đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến quy hoạch.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường, nói lo lắng nhất của doanh nghiệp này khi đầu tư là sự không ổn định về vấn đề pháp lý dự án. Điều này khiến họ không thể chủ động lên kế hoạch, cũng khó cam kết đúng với khách hàng. Ngoài ra, địa phương luôn đề nghị doanh nghiệp phải cam kết làm dự án "tới nơi tới chốn", nhưng ở chiều ngược lại chính quyền cũng "cần có trách nhiệm với doanh nghiệp".
"Cơ quan chức năng cần xem nhà đầu tư như khách hàng, đối tác, trao đổi thường xuyên, hướng dẫn kịp thời để triển khai dự án đúng thời gian", ông nói và chia sẻ có dự án doanh nghiệp đã gửi nhiều tờ trình đến UBND thành phố nhưng thực tế đến giờ vẫn chưa đảm bảo được điều kiện chắc chắn. Ngoài ra, các vấn đề pháp lý phải được thông suốt, không để xảy ra tình trạng dự án năm nay đúng nhưng năm tới sai, gây rủi ro cho doanh nghiệp.
Ở góc độ chuyên môn, KTS Khương Văn Mười, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, cho rằng 17 tỷ USD là khởi đầu tốt để Hóc Môn, Củ Chi bắt đầu quá trình "thay đổi diện mạo". Tuy nhiên, để cam kết đầu tư trở thành hiện thực, thành phố và hai huyện còn nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất hai huyện cần tránh "vết xe đổ" trước đó, không để dự án "treo" hàng thập kỷ chưa thể triển khai.
KTS Ngô Anh Vũ, Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, nói bên cạnh mặt tích cực, những cam kết nếu không được nhà đầu tư triển khai sẽ tạo ra nguy cơ "sốt" đất ở khu vực. Điều này tạo hệ quả đến khi có doanh nghiệp muốn đầu tư thật thì giá đất được đẩy lên quá cao, gây khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó chính quyền cần chế tài để buộc nhà đầu tư thực hiện cam kết.
"Hóc Môn, Củ Chi không phải mâm cỗ mới dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ cơn sốt giá nhà của TP HCM", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị thu hút đầu tư vào hai huyện diễn ra mới đây. Ông cũng đề nghị cùng với việc thu hút người giàu, người giỏi đến hai huyện ngoại thành, thành phố phải tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng tầm đời sống của người dân trong khu vực.
Người đứng đầu nhà nước cho biết các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát thực hiện cam kết của các nhà đầu tư để giải trình với người dân hai huyện. Doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết ghi nhớ đầu tư, lời nói đi đôi với việc làm, khẳng định uy tín. Quốc hội sẽ nhắc nhở những đơn vị "ký rồi để đó, bội tín".