Chiều 18/4, Kênh VTC1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức Talkshow Vietnam ON số 3, chủ đề Báo chí Việt Nam trên “Đường đua số”, với sự tham dự của nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Talkshow nhằm hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số với các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí hiện nay.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, chuyển đổi là cả một quy trình gồm chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm, chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn và chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh. Việc này đòi hỏi con người cũng cần phải có sự thay đổi về tư duy, công nghệ.
Hiện nay có rất nhiều cơ quan báo chí đang có được những sản phẩm công nghệ mới, ví dụ như podcast, một số sản phẩm thực tế ảo… Tuy nhiên chỉ dừng ở mức số hóa, chưa phải là chuyển đổi số.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh: "Thực ra lâu nay về nguyên tắc báo chí luôn nói rằng là chúng ta phụng sự độc giả, nhưng nhiều khi không hoàn toàn như vậy. Rõ ràng trong quá trình phát triển cũng gặp những khó khăn nhất định, không phải lúc nào báo chí cũng coi độc giả làm trung tâm, có những lúc chúng ta coi lượng người xem (view), doanh thu hay công nghệ mới là quan trọng. Nhưng muốn chuyển đổi số thành công chúng ta phải coi người dùng làm trung tâm, bởi khi họ là trung tâm rồi chúng ta sẽ biết phải sản xuất nội dung kiểu gì, phải sử dụng công nghệ gì để phục vụ cho việc đó.
Có thể đối tượng của tờ báo này không quan tâm đến trí tuệ nhân tạo, có thể đối tượng kia có nhu cầu sử dụng thực tế ảo, kể cả những công nghệ hiện đại hơn nữa. Tùy những nhu cầu, đối tượng đặc thù của cơ quan báo chí thì chúng ta nghĩ xem phục vụ họ nên sử dụng công nghệ gì, nên sản xuất loại nội dung gì".
Về việc chuyển đổi số trong báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí không chỉ sản xuất những nội dung dưới dạng văn bản, audio thông thường... mà đều khuyến khích phóng viên, nhà báo tư duy sản phẩm để tạo ra những sản phẩm đặc thù thu hút sự chú ý của độc giả, khán thính giả.
Các cơ quan báo chí thậm chí phải biết cách làm thương hiệu, branding, tạo ra những sản phẩm kinh doanh trên môi trường số. Cơ quan báo chí phải coi độc giả, khán thính giả làm trung tâm phục vụ để mọi việc đầu tư về nội dung, công nghệ, quy trình sản xuất thay đổi văn hóa tòa soạn phù hợp với đối tượng độc giả mà mình lựa chọn.
Bên cạnh đó, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, không chỉ cơ quan báo chí mà độc giả cũng có sự thay đổi. Đây là điều tất yếu, nhiều khi sự thay đổi của độc giả đến mà không hề báo trước. Khi các công nghệ phát triển thì sự thay đổi của độc giả xảy ra một cách tự nhiên và hết sức bình thường. Trước đây, độc giả hay có thói quen đi mua một tờ báo hay đến giờ họ bật một kênh truyền hình, phát thanh để nghe một chương trình nào đó. Nhưng bây giờ độc giả không tìm tin nữa mà tin tìm đến độc giả.
Tại Talkshow, nhà báo Lê Quốc Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ban lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. "Nếu trong ban lãnh đạo có những người đứng đầu am hiểu công nghệ thì khả năng thành công chuyển đổi số của đơn vị này cũng sẽ cao hơn. Chúng ta đều biết rằng là người lãnh đạo dù tài giỏi hay năng lực vừa phải đều tác động lớn đến hệ thống. Ngoài người lãnh đạo, cơ quan báo chí phải có lực lượng lãnh đạo cấp trung thì quá trình chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy nhanh hơn".
Tuy có nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số, song Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh đây là cơ hội để các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo trở về giá trị cốt lõi, phát huy năng lực của mình.