Sáng 28/4, cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TP HCM, thông xe sau 7 năm triển khai.
Từ 15h hôm nay, các phương tiện có thể chạy qua cầu Thủ Thiêm 2, riêng xe container bị cấm.
Phía quận 1, xe từ đường Lê Duẩn đi thẳng hướng Tôn Đức Thắng để lên cầu Thủ Thiêm 2. Hướng từ đường Đồng Khởi, xe theo đường Tôn Đức Thắng rồi rẽ qua Võ Văn Kiệt, chui dưới dạ cầu Khánh Hội quay đầu về Tôn Đức Thắng, sau đó theo nhánh N2 lên cầu Thủ Thiêm 2.
Phía Thủ Thiêm, xe theo đường Mai Chí Thọ, qua đường Tố Hữu đến tuyến R12 để lên cầu Thủ Thiêm 2. Với hướng từ cầu Thủ Thiêm 1, xe chạy thằng đường Nguyễn Cơ Thạch vào đường Tố Hữu rồi rẽ vào đường R12.
Cầu Thủ Thiêm 2 thông xe giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm và góp phần giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng. Với kiến trúc nổi bật, công trình được xem là cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm, kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trên sông Sài Gòn.
Công trình có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Dự án được xây theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP HCM đến thời điểm này.
Theo quy hoạch được duyệt, có 4 cây cầu và một hầm kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối qua đường Nguyễn Hữu Cảnh và hầm sông Sài Gòn trên trục đại lộ Đông - Tây đã đưa vào khai thác. Sau cầu Thủ Thiêm 2, TP HCM đang chuẩn bị đầu tư hai cầu còn lại gồm Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) trước năm 2030.
Mới đây, hội đồng đặt đổi tên đường TP HCM thống nhất đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 1 đến 4 thứ tự là Thủ Thiêm, Bason, Thủ Ngữ và Bến Nghé. Đây là những địa danh nổi tiếng của TP HCM hàng trăm năm qua.