9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 29-4

Sự kiện trong nước

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
 Bộ đội hải quân trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Ngày 29-4-1975, tổng tiến công trên toàn bộ mặt trận, làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ngày 29-4-1975, ta đã giải phóng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An và Vũng Tàu.

- Ngày 29-4-1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Ra-đa 293 với nhiệm vụ là “tai, mắt” dẫn đường cho Không quân ta chiến đấu, cảnh giới vùng trời, bảo đảm ra-đa cho các lực lượng đánh máy bay địch. Chỉ sau hơn 2 tháng huấn luyện, ngày 10-7-1966, trung đoàn đã bắt đầu phát sóng ra-đa cảnh giới vùng trời phía Bắc của Tổ quốc; ngày 19-7-1966, đơn vị đã lập chiến công đầu khi dẫn đường cho biên đội máy bay Mig-17 cất cánh từ Nội Bài bắn rơi 1 máy bay F105 của không quân Mỹ. Để thể hiện tinh thần, quyết tâm đánh giặc, lãnh đạo trung đoàn đã đề nghị cấp trên đặt tên cho đơn vị là “Đoàn Phù Đổng”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phù Đổng đã phát hiện gần 52.400 tốp máy bay địch, trong đó có 251 tốp B-52; trực tiếp và tham gia dẫn đường bổ trợ cho không quân đánh 614 trận, bắn rơi 173 máy bay địch. Đặc biệt, trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, Trung đoàn 293 cùng với các đơn vị bạn đã dũng cảm chiến đấu, phát hiện sớm máy bay B-52, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
 Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 53, Trung đoàn 293 thực hành huấn luyện trên khí tài. Ảnh: Chí Hòa

Trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 293 đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được tặng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt, năm 2004, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

- Ngày 29-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm Đại hội thi đua Thành phố Hà Nội. Người đã tặng huy hiệu cho 35 đại biểu có thành tích thi đua khá nhất.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 29-4-1945, Quân đội Mỹ giải phóng 32.000 nạn nhân của Đức Quốc xã tại trại tập trung Dachau trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một ngày sau, Hitler tự tử.

- Ngày 29-4-2008, Nga giới thiệu máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 đầu tiên được cải tiến. Nga tuyên bố, loại máy bay này sẽ giúp Nga đối chọi ngang bằng với những kẻ thù tiềm tàng. Đây là loại máy bay chiến đấu hạng nặng nhất mà nước này chế tạo từ trước đến nay.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
 Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 của Nga. Ảnh: AFP

Theo dấu chân Người

- Ngày 29-4-1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc được “Hội giúp Binh sĩ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ. Hội đồng Chính phủ còn bàn đến vấn đề tha chính trị phạm, việc thu hoạch vụ chiêm, chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch nước ra lời kêu gọi công nhân Việt Nam nhân ngày Quốc tế Lao động. Cùng ngày, Bác đã ký Sắc lệnh về ngày 1-5 nghỉ có lương đối với tất cả công nhân làm việc trong các doanh nghiệp công và tư.

- Ngày 29-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến đồng bào cả nước sau ngày cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế với lời đánh giá: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập... Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ. Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ...”.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân. Ảnh: hochiminh.vn 

- Ngày 29-4-1952, với bút danh Đ.X, Bác viết bài “Bọn đế quốc đường cùng” đăng trên Báo Cứu Quốc điểm lại các cuộc chiến đấu chống đế quốc trên thế giới để đi đến nhận định: “Mấy năm trước đây, các ông đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đều “thở ra sét, hét ra lửa”, ai dám động đến. Song các dân tộc xưa kia chịu làm trâu ngựa, nay đã hóa ra sư tử, hùm thiêng”.

- Ngày 29-4-1961, Bác Hồ được Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ II bầu làm Chủ tịch Danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Ngày 29-4-1966, chiếc máy bay thứ 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc thuộc về chiến công của quân dân tỉnh Bắc Thái. Cũng vào dịp này, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Australia: Người Mỹ nói họ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam bằng cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc?, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không bao giờ! Chúng tôi sẽ chiến đấu 10, 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa, chúng tôi có sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Chúng tôi sẽ thắng lợi!.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italy, ngày 12-5-1959. Ảnh: Tư liệu

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị thảo luận về tình hình cách mạng miền Nam, Bác đưa ra nhận định: “Nửa nước nông nghiệp lạc hậu mà thắng tên đế quốc mạnh nhất thì ta thật là tự hào, tương lai ta thật sáng sủa”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ”. Đó là đoạn trích trong bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ ngành Công an năm 1963.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mồng Một Tết Quý Mão, năm 1963. Ảnh: Tư liệu 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện Công an nhân dân thành một lực lượng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Người luôn nhắc nhở rằng, người chiến sĩ công an sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Thực tế lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, lực lượng công an luôn dũng cảm trong chiến đấu, giữ vững bản chất cách mạng, ý chí chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong cuộc chiến giữ gìn an ninh nội bộ và xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Nội dung, ý nghĩa trong lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho lực lượng công an, mà còn dành cho các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó có Quân đội nhân dân. Sức mạnh chiến đấu của quân đội phải được bắt đầu từ sức mạnh đoàn kết nội bộ. Nội bộ thống nhất, chặt chẽ mới có thể đưa mọi việc được triển khai đồng bộ, phải nghiên cứu kỹ mọi việc, lập kế hoạch sâu sát, tỉ mỉ trước khi thi hành để đảm bảo chắc chắn thành công. Nghiên cứu công việc kỹ lưỡng chưa đủ, khi thực thi còn phải thận trọng và không được chủ quan mới có thể đi đến đích thắng lợi. Suy rộng ra, đoàn kết nội bộ ở đây cũng có nghĩa là đoàn kết nội bộ Đảng, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
 Đoàn kết - nhân tố tạo nên sức mạnh của Quân đội ta.

Muốn làm được điều đó mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mà trước tiên là cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp phải tiên phong gương mẫu chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giữ gìn đoàn kết nội bộ tốt, có tác phong lãnh đạo dân chủ, quần chúng, sâu sát, cụ thể, tới nơi, tới chốn và thực hành nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa kinh nghiệm, độc đoán, gia trưởng, xa rời, lãnh cảm với cấp dưới và quần chúng…

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Ngày 29-4-1968, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2489 có đăng bài và ảnh “Bác Hồ đi bầu cử”.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 29-4-1968. 

- Ngày 29-4-1980, trên trang 4 Báo Quân đội nhân dân số 6781 có đăng ảnh “Bác Hồ với đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1969”.

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng
Trang 4 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 29-4-1980. 

  

9 giờ ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng