Đó là khẳng định tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022 sáng 29-4.
Cuộc họp nhằm thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đánh giá về tình hình khi đã đi được 1/3 chặng đường năm 2022, Thủ tướng cho rằng trong quý 2 sẽ còn nhiều khó khăn do xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Giá cả nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, giá vận tải thế giới tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chuỗi cung ứng lao động, giao thông vận tải xảy ra đứt gãy ở một số nước. Một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng GDP sụt giảm. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn.
Cùng với việc thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các nghị quyết về phát triển vùng, Thủ tướng cho biết tháng 4 đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng liên quan tới các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục rà soát thúc đẩy tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém.
Đặc biệt với thị trường tài chính chứng khoán, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị với tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.
Tuy nhiên Thủ tướng khẳng định thêm là cần kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch.
Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay tiếp nối đà phát triển của quý 1, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, điện và lao động đủ); nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.
Tuy nhiên Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt là chi phí tăng cao, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro nếu không có giải pháp mạnh mẽ, kịp thời để ổn định thị trường.
Thêm nữa là áp lực tăng tỉ giá trong thời gian tới, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh, rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu. Hoạt động đầu tư công trong 4 tháng đạt tỉ lệ giải ngân ở mức thấp, có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, thời tiết bất lợi, mưa lũ thất thường, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tài chính, áp lực tăng lương.
Công khai xử lý hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng khó khăn thách thức nhiều hơn nên các cấp ngành cần theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, kịp thời đưa ra giải pháp để giảm thiểu tác động. Trong đó thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, ưu tiên thực hiện chương trình phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo nguồn cung thuốc, quản lý giá; điều hành chính sách tín dụng phù hợp, duy trì lãi suất cho vay hợp lý hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường giá cả để có chính sách kịp thời, đảm bảo cung cầu, bình ổn giá, đẩy nhanh tiến độ dự án điện đáp ứng nhu cầu điện vào mùa nóng sắp tới.
Có biện pháp ổn định lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, công khai minh bạch, xử nghiêm hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh…