Ngày 30-4-1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 30-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 30-4
Sự kiện trong nước
Ngày 30-4-1949, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đồng bào và chiến sĩ. Sau khi phân tích ý nghĩa ngày 1-5 ở Việt Nam, Người nêu những nhiệm vụ chính của mọi tầng lớp nhân dân (binh, sĩ, nông, công, thương) trong giai đoạn mới: Giai đoạn đẩy mạnh cầm cự, tích cực chuẩn bị tổng phản công.
Ngày 30-4-1952, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam ở Liên Xô.
Ngày 30-4-1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III ra thông cáo thông qua Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp. Việc thông qua điều lệ này tạo điều kiện củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện mạnh mẽ và vững chắc.
Ngày 30-4-1970 đến 30-6-1970, Quân Giải phóng miền Nam, với tinh thần cứu bạn như cứu mình đã cùng quân dân Campuchia chiến đấu dũng cảm, đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mỹ và ngụy Sài Gòn.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân |
5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.
Ngày 30-4-1992, Cục Tác chiến điện tử được thành lập. Cục Tác chiến điện tử là cơ quan tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo hoạt động của lực lượng tác chiến điện tử toàn quân và trực tiếp chỉ huy các đơn vị tác chiến điện tử cơ động chiến lược của bộ.
Ngày 30-4-1993, ra mắt Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ.
Ngày 30-4-2011, tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu thuộc khu 3, Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng hồ bơi lọc nước biển nhân tạo lớn nhất châu Á.
Cụm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (nhìn từ hướng Nam-Bắc). Ảnh: TTXVN |
Ngày 30-4-2014, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Ngày 30-4-2015, Bệnh viện Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy.
Sự kiện quốc tế
Ngày 30-4-1945, sau khi đánh thắng nhiều trận lớn ở các chiến trường châu Âu, Quân đội Liên Xô đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức ở Beclin. Hitler, tên trùm phát xít Đức tự sát, chế độ quốc xã cáo chung.
Ngày 30-4-1948, tại Bogota (thủ đô của Colombia), 21 nước cộng hòa ở châu Mỹ đã ký tuyên ngôn thành lập Tổ chức các nước châu Mỹ (viết tắt là OEA).
ASEAN hiện có 10 nước thành viên. Ảnh: Dangcongsan.vn |
Ngày 30-4-1999, Campuchia gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nâng tổng số hội viên của tổ chức này lên 10.
Theo dấu chân Người
Ngày 30-4-1947, trên Chiến khu Việt Bắc, Bác tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Gần tối, lúc chúng mình đang ăn cơm thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ quần áo màu nâu, đội mũ như bộ đội, mặt che đậy hết nửa, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ với tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn trong lúc mâm cơm đó gần tàn... 7 giờ tối, bắt đầu Hội đồng. Ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài... Hội đồng hôm nay có 2 tin buồn, cái chết của cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) và Nam (Hoàng Hữu Nam). Cụ nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sĩ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút... Cụ Chủ tịch nói với một giọng đau đớn như Cụ đã mất một người anh và một người con... Sau đó, Cụ báo cáo tình hình chính trị chung ngoài nước và trong nước…”. Đến 3 giờ khuya cuộc họp mới kết thúc.
Ảnh minh họa: Tintucvietnam.vn |
Ngày 30-4-1949, một ngày trước Ngày Quốc tế Lao động, Bác viết thư chào mừng với đầu đề “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới” trong đó xác định: “Ở các nước, ngày này là ngày riêng của lao động, kiểm điểm lực lượng của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp. Ở nước ta, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, sĩ, nông, công, thương, binh, toàn dân đều đoàn kết thành một khối, toàn dân đều ra sức lao động, nhằm một mục đích: giết giặc cứu nước. Ngày 1-5 là ngày lễ của toàn thể đồng bào ta”.
Ngày 30-4-1964, nói chuyện với Đại hội liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”. Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.
Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia” là nhà, “đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình… Ta có câu hát:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 30-4-1964, tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (8-1-1959). Ảnh tư liệu |
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sản xuất và tiết kiệm gắn với nhau như một phương châm. Trong khi căn dặn mọi người, mọi ngành, mọi cấp thường xuyên thực hành tiết kiệm, thì đồng thời, Bác Hồ cũng quan tâm làm cho mọi người hiểu rõ tiết kiệm không phải là khắc khổ, tiết kiệm để tạo cho mức sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở các cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải làm tốt việc tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, vì đây là biện pháp để tăng vốn tích lũy cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.
Trồng rau sạch cung cấp cho bữa ăn hằng ngày. Ảnh: Baosoctrang.org.vn |
Những năm gần đây, do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, khiến việc sản xuất lương thực, thực phẩm ở một số địa phương gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm hậu cần nói chung, công tác nuôi dưỡng bộ đội nói riêng. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa quan trọng của việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm đối với việc cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; huy động đông đảo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào tăng gia sản xuất trong toàn quân không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống bộ đội.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 30-4-1957 đã đăng bài viết về chuyến thăm của Hồ Chủ tịch tại Phân viện quân y ở Nam Định.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 30-4-1957. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 30-4-1969 đăng bài viết về buổi gặp mặt giữa Bác Hồ và đoàn đại biểu đơn vị anh hùng, đơn vị quyết thắng, chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua Quân khu 4.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 30-4-1969. |