(PL)- Việc khởi tố, truy tố, xét xử nhanh theo thủ tục rút gọn người phạm các tội liên quan đến dịch COVID-19 là đúng và phù hợp.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại thì các hành vi phạm tội liên quan có thể cũng sẽ xuất hiện. Việc cơ quan tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 456 BLTTHS giải quyết các vụ án này để kịp thời răn đe, phòng ngừa chung là rất cần thiết.

Ngày 30-3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hướng dẫn yêu cầu các tòa án chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và VKS cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.

Xét xử sau bốn ngày khởi tố

Đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn theo quy định của BLTTHS. Thời gian sau đó, các tòa đã vận dụng hướng dẫn này để phối hợp với cơ quan tố tụng khác xét xử nhanh các vụ án.

Ngày 10-4, TAND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã xét xử vụ án đầu tiên trong cả nước liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Tòa tuyên phạt Đào Xuân Anh chín tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.

Theo đó, chiều 4-4, chốt kiểm soát phòng, chống dịch liên xã Đông Hải - Đông Ngũ, huyện Tiên Yên đang làm nhiệm vụ thì phát hiện Xuân Anh không đeo khẩu trang nên nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng. Xuân Anh không những không chấp hành mà còn có hành vi xúc phạm, dùng mũ cối đánh cán bộ trong chốt kiểm soát rồi bỏ về nhà.

Hôm sau, Xuân Anh ra công an huyện đầu thú. Ngày 6-4, VKSND huyện phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị cáo và đúng sáu ngày sau khi xảy ra sự việc, Xuân Anh được tòa đưa ra xét xử sơ thẩm.

Vụ khác tại tỉnh Thái Bình, ngày 14-4, TAND huyện Hưng Hà đã xử sơ thẩm Trần Văn Mạnh và phạt chín tháng tù cũng về tội chống người thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ 30 ngày 8-4, tại chốt kiểm soát dịch bệnh xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, các thành viên trực chốt phát hiện Mạnh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang đi qua chốt. Thành viên chốt kiểm soát yêu cầu Mạnh dừng xe, giải thích việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế.

 

Tuy nhiên, bị cáo Mạnh không chấp hành mà còn có lời nói lăng mạ, xúc phạm và hành vi chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho thành viên của chốt kiểm soát. Ngày 9-4, Cơ quan CSĐT Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam Mạnh và sau đó VKSND cùng cấp ra cáo trạng chuyển sang tòa xét xử.

Cơ sở xử ‘siêu tốc’ các tội liên quan đến COVID-19 - ảnh 1
Bị cáo Đào Xuân Anh bị TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh xét xử vào ngày 10-4. Ảnh: XUÂN THAO/Trung tâm TT-VH huyện Tiên Yên

Đề cao vai trò của thẩm phán

Theo ThS Ngô Minh Tín, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thủ tục rút gọn theo Điều 456 BLTTHS được áp dụng trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm nếu đảm bảo đủ bốn điều kiện. Cụ thể: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng (hình phạt từ ba năm tù trở xuống); người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

 

Quá trình xét xử phúc thẩm, thủ tục rút gọn sẽ được áp dụng khi có một trong các điều kiện. Thứ nhất, vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn ở sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo (không kêu oan). Thứ hai, vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn ở sơ thẩm nhưng có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

“Bị can, bị cáo cũng có thể khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo khoản 5 Điều 457 BLTTHS nếu thấy rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm” - ThS Tín nói.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, khi cả nước đang căng mình chống dịch thì các hành vi có dấu hiệu tội phạm cần được phát hiện và xử lý ngay. LS Hồng nói: “Khi phát hiện hành vi phạm tội liên quan đến COVID-19, áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử nhằm mục đích răn đe là đúng và cần thiết. Các vụ án đã xét xử thời gian gần đây cho thấy có đầy đủ điều kiện để áp dụng thủ tục này”.

Theo LS Hồng, khi áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn điều tra là 20 ngày kể từ khi khởi tố vụ án, thời hạn truy tố là năm ngày kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố. Tiếp đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn bảy ngày, tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.

Cả phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn đều do một thẩm phán tiến hành. “Vai trò, trách nhiệm cá nhân của thẩm phán khi áp dụng thủ tục rút gọn được đề cao. Bị cáo có được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp hay không phụ thuộc rất nhiều vào thẩm phán” - LS Hồng chia sẻ.

Liên quan đến quyền bào chữa, LS Hồng cho rằng luật cũng quy định đảm bảo quyền bào chữa của người phạm tội. Tuy nhiên, có thực tế là vì thủ tục rút gọn có thời hạn rất nhanh và trong điều kiện một số địa phương giãn cách xã hội nên ít bị cáo thực hiện và ít có điều kiện thực hiện quyền này. Vì vậy, người tiến hành tố tụng cần đảm bảo hơn nữa quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.

Khác biệt so với thủ tục thông thường

Có một điểm khác biệt của thủ tục rút gọn so với thủ tục thông thường trong tố tụng hình sự là khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra không phải ban hành kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ cho VKS. Sau khi nhận hồ sơ, VKS nếu thống nhất thì sẽ ban hành quyết định truy tố bị can ra trước tòa thay cho bản cáo trạng.

Quy định về thủ tục rút gọn hiện nay trong BLTTHS hiện hành thực tế được kế thừa, sửa đổi và phát triển trên nền các quy định tại BLTTHS 2003. Theo đánh giá, thủ tục rút gọn đến nay vẫn chưa phát sinh bất cập nào lớn cần thay đổi. Do vậy, để đối phó với tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại thì việc phát hiện và xử lý nhanh đối với những hành vi phạm tội liên quan đến dịch bằng cách áp dụng thủ tục rút gọn là cần thiết.

Khẩn trương xử lý các vụ nhập cảnh trái phép

Viện trưởng VKSND Tối cao vừa có văn bản chỉ đạo toàn ngành nhiều nội dung, trong đó VKSND các cấp cần phối hợp chặt với công an, tòa án khẩn trương điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm các vụ việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam (trước hết tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam). Đồng thời, toàn ngành cần tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.