Trong tuần qua, nhiều câu chuyện và hình ảnh hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và tương tác. Dưới đây là một số câu chuyện đã được hãng thông tấn AP kiểm chứng.
Thông tin lan truyền: Ngay sau khi Elon Musk đạt thỏa thuận mua lại Twitter hôm thứ Hai, Bill Gates - người đồng sáng lập Microsoft đã bị đình chỉ khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Kiểm chứng: Ảnh chụp màn hình cho thấy thông báo đình chỉ tài khoản Twitter của tỷ phú Bill Gates là giả.
Chỉ vài giờ sau khi Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla Elon Musk đạt được thỏa thuận mua lại Twitter với giá khoảng 44 tỷ USD, một bức ảnh chụp màn hình đã được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội này với tuyên bố cho rằng Musk đã tác động Twitter đình chỉ tài khoản của tỷ phú Bill Gates, người đã công khai chỉ trích ông trong những ngày vừa qua.
Tuy nhiên, tài khoản Twitter của nhà đồng sáng lập Microsoft vẫn hoạt động trong suốt tuần qua. Lưu trữ trang Twitter của tỷ phú Bill Gates hôm thứ Hai cho thấy tài khoản của ông không hề bị đình chỉ tại thời điểm 13 giờ 15 khi có thông tin đầu tiên về việc Twitter chấp nhận đề nghị của CEO Tesla, và cũng không có thông báo nào với nội dung như vậy được đăng tải. Ngoài ra, tỷ phú Bill Gates vẫn có các bài đăng trên Twitter vào lúc 16 giờ 36 phút và 18 giờ 5 phút cùng ngày.
Hiểu sai về thông báo dừng chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 ở Đan Mạch
Thông tin lan truyền: Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên đình chỉ tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Kiểm chứng: Theo thông báo của Cơ quan y tế Đan Mạch, từ ngày 15/5 tới, người dân nước này sẽ không còn được mời hoặc nhắc nhở đi tiêm vaccine Covid-19, tuy nhiên mọi người vẫn có thể đến các điểm tiêm chủng để chích ngừa nếu họ muốn. Việc tiêm vaccine vẫn được khuyến nghị, đặc biệt là với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và những người chưa hoàn thành đủ các mũi tiêm trong liệu trình.
Trong email gửi AP, người phát ngôn của Cơ quan y tế Đan Mạch Signe Breitenstein xác nhận: “Đan Mạch không đình chỉ tiêm vaccine Covid-19 mà chỉ dừng triển khai trên quy mô lớn ở thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa là người dân sẽ không nhận được thư mời điện tử đi tiêm vaccine nữa”.
Ông Bolette Søborg, một quan chức y tế cấp cao của Đan Mạch cho biết: “Mùa xuân đã đến, tỉ lệ bao phủ vaccine trong dân số Đan Mạch cao và dịch bệnh đã đảo chiều. Do vậy, Ủy ban Y tế Quốc gia quyết định kết thúc chương trình chủng ngừa Covid-19 quy mô lớn”.
Chương trình tiêm vaccine của Đan Mạch dự kiến sẽ trở lại vào mùa thu nhằm phòng ngừa sự xuất hiện của các biến thể mới cũng như sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong mùa đông.
Tin nhắn giả mạo cảnh báo về cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào vùng Transnistria
Thông tin lan truyền: Chính quyền Ukraine đã gửi tin nhắn cảnh báo người dân vùng ly khai Transnistria về việc Ukraine đang lên kế hoạch triển khai một cuộc tấn công nhằm vào khu vực này. Trong tin nhắn, người dân được yêu cầu di tản trước 7 giờ tối, thời điểm mà tin nhắn này cho biết lực lượng Ukraine sẽ tấn công các cơ sở quân sự.
Kiểm chứng: Trong các tuyên bố công khai hôm thứ Ba vừa qua, 2 nguồn tin từ chính phủ Ukraine cho biết nước này không hề gửi tin nhắn trên và trong tin nhắn cũng không hiển thị bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nó được gửi từ 1 nguồn xác minh rõ ràng.
Bức ảnh chụp tin nhắn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, tuy nhiên lại không đề cập rõ ngày, giờ mà tin nhắn được gửi. Ngoài ra, cũng không có cuộc tấn công nào được báo cáo tại Transnistria trong khoảng thời gian 7 giờ tối các ngày thứ Ba, thứ Tư hay thứ Năm.
Trong một tuyên bố bằng tiếng Ukraine, ban giám đốc tình báo của quân đội Ukraine khẳng định nước này không liên quan đến tin nhắn trên cũng như các hành động khiêu khích tương tự. Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun cũng đăng dòng tweet với nội dung: “Ukraine không hề gửi những tin nhắn kiểu như vậy, và không có kế hoạch tấn công Transnistria”.
Clip cho thấy lỗi của kênh truyền hình Pháp, không phải gian lận bầu cử
Thông tin lan truyền: Số phiếu bầu cho ứng cử viên tổng thống cực hữu của Pháp Marine Le Pen giảm từ 14,4 triệu trong cuộc kiểm phiếu trực tiếp xuống còn 13,3 triệu khi thất bại của bà được tuyên bố. Điều này khiến một số người dùng mạng xã hội cho rằng có gian lận bầu cử trong chiến thắng của ông Emmanuel Macron.
Kiểm chứng: Sự khác biệt về con số là do lỗi máy tính trong cuộc kiểm phiếu trực tiếp được thực hiện bởi kênh truyền hình France 2, khiến số liệu không chính xác hiển thị tại một thời điểm trong chương trình - một thông báo từ France 2 cho biết.
Theo kênh truyền hình này, bà Le Pen chưa từng thực sự nhận được 14,4 triệu phiếu bầu. Con số này là do lỗi kỹ thuật khiến hình ảnh hiển thị cho thấy “số liệu sai”. Cụ thể, một trục trặc phần mềm đã đếm lặp số phiếu của một số thành phố nhất định cho cả 2 ứng viên và làm tăng tổng số phiếu tương ứng của họ vào thời điểm đó - France 2 cho hay. “Ngay sau khi phát hiện lỗi này, chúng tôi đã tiến hành khắc phục”.
Một số phiên bản của trang kết quả bầu cử của Bộ Nội vụ Pháp được lưu trữ trong suốt ngày Chủ nhật không cho thấy tổng số phiếu bầu của bà Le Pen vượt qua con số 13,3 triệu.