Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết hôm thứ Ba (3/5), 4 bên chính trong các cuộc đàm phán đã đạt được thỏa thuận quan trọng về một "tài liệu" cho việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19.
Tổng giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala, người đã coi công bằng vắc xin là ưu tiên hàng đầu của mình kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, đã làm việc trong nhiều tháng để hướng tới một thỏa hiệp giữa Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi trong vấn đề này.
Okonjo-Iweala cho biết: “Điều mà các cuộc thảo luận hướng tới là tìm ra thứ có thể thực hiện được”. Bà hy vọng 164 thành viên của WTO sẽ hoàn thiện và thông qua đề xuất này bằng một hội nghị lớn vào tháng Sáu tới.
Tài liệu cho thấy vẫn còn những lĩnh vực chưa được giải quyết trong dự thảo thỏa thuận, bao gồm cả thời hạn nộp đơn của bên từ bỏ có thể là 3 hoặc 5 năm. Tuy nhiên, theo bà Okonjo-Iweala, các cuộc đàm phán gần đây đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn, bao gồm cả từ Trung Quốc.
Tất cả 164 thành viên của WTO phải chấp nhận thỏa thuận để nó có thể được thông qua và chủ đề này sẽ được đưa ra tại một cuộc họp kín ở Geneva vào tháng Sáu. Một đại biểu nói rằng điều quan trọng là 4 bên chính tuyên bố công khai ủng hộ mạnh mẽ để thuyết phục những nước khác. “Nếu không, những nghi ngờ sẽ kéo dài và các thành viên khác sẽ do dự,” ông nói.
Maria Pagan, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ tại Geneva, cho biết nước này đã làm việc tích cực với các thành viên WTO khác để "tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận và thu hẹp những khác biệt để có thể dẫn đến một kết quả đồng thuận".
Dù thừa nhận thành công không được đảm bảo, song Pagan cho biết Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với quốc hội nước này và các bên liên quan khác để có được càng nhiều vắc xin an toàn và hiệu quả cho "càng nhiều người càng tốt" trong thời gian các thành viên WTO xem xét văn bản.
Trong các phiên họp trước đây, Anh và Thụy Sĩ - những nước đã phản đối việc từ bỏ rộng rãi với lý do điều này cản trở hoạt động nghiên cứu dược phẩm - đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch trong các cuộc đàm phán 4 bên.