Ngành y tung lực lượng hỗ trợ Đà Nẵng
(PL)- Bộ Y tế tung lực lượng y tế lớn chưa từng có về Đà Nẵng, đồng thời phát động chiến dịch “Niềm tin chiến thắng” trong toàn dân và kêu gọi người khỏi bệnh COVID-19 hiến huyết tương để chữa trị các ca bệnh.

Ngày 6-8, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ban chỉ đạo) tiếp tục họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Huy động lực lượng chưa từng có về Đà Nẵng

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tính từ ngày 7-7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay, dịch đã qua khoảng năm chu kỳ lây nhiễm.

Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Tại những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng một tuần nữa), số ca lây nhiễm sẽ giảm.

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết lần này áp lực chống dịch lớn hơn lần trước nhiều, vì phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ý thức được sự phức tạp ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung dập dịch trong cụm ba bệnh viện (BV), Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế sử dụng tất cả phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần ba lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4. Bộ cũng điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh.

“Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng” - ông Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm ba BV. Do vậy, cơ quan chức năng cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1.

Nhóm nguy cơ thứ hai là những người đã đi/đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1-7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm ba BV như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...

Ngành y tung lực lượng hỗ trợ Đà Nẵng - ảnh 1
Cán bộ Trung tâm y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu dân cư thuộc phường An Hải Đông. Ảnh: BÙI TOÀN

Phát động chiến dịch “Niềm tin chiến thắng”

 

Cùng ngày, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tên gọi “Niềm tin chiến thắng”.

Chiến dịch nhằm kêu gọi mọi tầng lớp người dân cùng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi cho sức khỏe để chung sống với dịch, thiết lập cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chiến dịch cũng truyền đi thông điệp đoàn kết, kêu gọi hành động, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội đồng tâm hiệp sức chống dịch.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 6-8 đến 30-9 với nhiều hoạt động phong phú. Điển hình là chương trình đối thoại với các nhà tâm lý, chuyên gia, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội về thay đổi nhận thức, chuẩn bị tâm lý, hình thành thói quen mới trong cuộc sống để chung sống với dịch bệnh, thiết lập cuộc sống trong trạng thái mới.

Một hoạt động khác là khuyến khích mọi người tham gia thử thách “Bạn đã chống dịch như thế nào?” chia sẻ trải nghiệm, tinh thần lạc quan chống dịch của mình thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội của Bộ Y tế (Lotus, Zalo, Facebook, YouTube, TikTok, Gapo) và các nền tảng truyền thông, app ứng dụng khác.

Chia sẻ về chiến dịch, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, mong muốn kêu gọi mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh thiếu niên cần nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

“Chúng tôi hy vọng chiến dịch sẽ tạo động lực để mọi người cống hiến, chia sẻ và lan tỏa yêu thương đến mọi tầng lớp chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Đoàn kết, đồng lòng, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh này” - quyền bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 

5 người, gồm 1 bác sĩ hiến huyết tương cho bệnh nhân

Bộ Y tế cũng vừa có quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.

Đề tài này do TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương và GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

Bác sĩ, điều dưỡng Bình Định, Hải Phòng tình nguyện lên đường vào tâm dịch

16 giờ 30 ngày 6-8, đoàn công tác gồm 25 bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Bình Định đã đến tâm dịch Đà Nẵng để hỗ trợ nhân lực cùng TP chống dịch COVID-19.

Trước đó, ngay sau khi Đà Nẵng có văn bản “cầu viện”, chỉ trong một ngày đã có 33 y, bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại các BV lớn ở Hải Phòng đăng ký sẵn sàng lên đường vào tâm dịch. 

TS Văn Đình Tráng, phụ trách Khoa vi sinh - sinh học phân tử (BV Bệnh nhiệt đới trung ương), cho biết người đủ điều kiện hiến huyết tương là người 18-65 tuổi, cân nặng trên 50 kg đối với nam và 45 kg với nữ, từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Các đối tượng này sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch.

Người nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 18-75 tuổi, được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng, đáp ứng tất cả tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này sẽ được triển khai tại các đơn vị BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV Đà Nẵng và một số BV khác do Bộ Y tế giao nhiệm vụ.

Đây là việc làm rất ý nghĩa, vì một người mắc COVID-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương thì có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất một bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng khác, trao cho họ cơ hội được chữa khỏi bệnh.

BV Bệnh nhiệt đới trung ương đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương từ ngày 3-8. Sau hai ngày đã có năm người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới trung ương từng mắc COVID-19 và đã được chữa khỏi. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm, sàng lọc kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương. Người bệnh đã khỏi COVID-19 có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 của BV để được tư vấn, giải đáp. Việc hiến này là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng bất cứ lúc nào.

Thêm 34 ca nhiễm mới, có 2 ca tử vong

Chiều 6-8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19 mới (BN 718-747), trong đó 20 ca ở Đà Nẵng, sáu ca ở Quảng Nam, một ca ở Bắc Giang có liên quan đến Đà Nẵng và ba ca nhập cảnh tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước đó, sáng 6-8, Việt Nam cũng đã ghi nhận thêm bốn ca mắc COVID-19 mới (BN 714-717), tất cả đều liên quan đến Đà Nẵng, ba trong số này là người dân ở Quảng Nam, trường hợp còn lại là người Hà Nội, từng đi du lịch tại Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 6-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, thông tin về hai trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Theo đó, bệnh nhân số 718 (BN 718) là nữ, 67 tuổi, quê quán tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết và COVID-19; bệnh nhân 651 (BN 651): Nữ, 67 tuổi, quê quán: Duy Xuyên, Quảng Nam. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi, suy hô hấp trên bệnh nhân suy thượng thận mạn tính, đái tháo đường type 2 và COVID-19.

Đây là ca tử vong thứ chín và thứ 10 ở các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam.