Đó là quan điểm của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu khi trao đổi về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo cấp tỉnh). Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến, quyết định về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X cho biết: Đây là thời điểm cần thiết để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Đảng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hay, có giá trị phổ biến. Dù vậy, bên cạnh những kết quả nhất định, vẫn còn một số vụ việc về tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng phức tạp, hoạt động tinh vi. Do đó, cần tiếp tục có những biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa quyết liệt.
“Bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. Như vậy, sẽ tạo nên sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và được nhân dân, dư luận ủng hộ”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bày tỏ quan điểm.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: “Trước đây, người ta vẫn nói “trên nóng, dưới lạnh”, nhưng bây giờ nếu như thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác này sẽ đồng bộ. Trách nhiệm sẽ được phân cấp cho cả Trung ương và địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp thì mới tăng tính hiệu quả và đi vào thực chất”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo toàn diện, do đó, nên giao trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy. Như vậy thì sức mạnh mới được tập trung, thống nhất và đồng bộ. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là vấn đề mới nên chúng ta cũng có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện”.
Trong khi đó, cũng trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Phạm Huy Kỳ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Tôi đồng tình quan điểm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc giao trách nhiệm cho Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh thì hiện nay đang có ý kiến khác nhau. Trong đó, nếu giao trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho Bí thư tỉnh ủy thì cũng đi kèm cơ chế để tăng tính hiệu quả. Tức là, nếu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của địa phương nào hoạt động kém hiệu quả, có những vụ việc phức tạp về tham nhũng, tiêu cực mà Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đó không phát hiện ra, để Trung ương phát hiện thì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm, cá nhân Trưởng Ban chỉ đạo và những người liên quan phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó.
Thứ hai, tôi nghiêng về quan điểm cho rằng, nên thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh độc lập, trực thuộc theo hệ thống ngành dọc, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch”.