Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tham dự chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 5-2022. Ảnh: LONG HỒ
Tại chương trình, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam, phản ánh, dù doanh nghiệp (DN) liên tục tuyển dụng nhưng vẫn thiếu lao động. Ông đề nghị TPHCM có giải pháp phát triển nhân lực và tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, sở đang quản lý 127 trung tâm dịch vụ việc làm, các trung tâm liên tục giới thiệu, cung ứng lao động cho các DN. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM từ đầu năm đến nay đã tổ chức 58 sàn giao dịch việc làm, tư vấn việc làm cho hơn 44.800 người, giới thiệu việc làm cho gần 16.500 người. Người lao động và DN có nhu cầu kết nối có thể truy cập website http//www.vieclamhcm.net hoặc Phòng Việc làm của sở để được hỗ trợ.
Trả lời câu hỏi của ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TPHCM, về giải pháp hỗ trợ tín dụng và lãi suất, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí, giảm áp lực cho DN. Trên địa bàn TPHCM, gần 2 triệu lượt DN đã được hỗ trợ trên quy mô tổng trị giá nợ là hơn 3,2 triệu tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện cho DN phục hồi và tăng trưởng.
Đồng thời, ngành ngân hàng thực hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 4,5%/năm đối với 5 nhóm ngành ưu tiên (DN nhỏ và vừa; phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao). Việc này nhằm tạo điều kiện giúp các DN có vốn với lãi suất hợp lý phục vụ sản xuất - kinh doanh. Chính sách lớn thứ ba là theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngành ngân hàng thực hiện 2 gói hỗ trợ về an sinh xã hội và hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các DN nhiều ngành, lĩnh vực.
Tham gia chương trình, ông Marvin Tsao, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, đề nghị TPHCM gia hạn thời gian hoạt động của Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận vì nếu sau năm 2041 đem KCX chuyển đổi sang kinh doanh làm bất động sản sẽ rất hạn chế giá trị của KCX này. Trước đề nghị trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phân tích, KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của cả nước, ra đời và hoạt động được hơn 30 năm, còn khoảng 18-20 năm nữa là kết thúc hoạt động. Sau hơn 30 năm nhìn lại cho thấy, hiện nay hoạt động của các KCX, khu công nghiệp (KCN) đang đứng trước những thách thức. Công nghệ trước đó hiện đại nhưng bây giờ trở nên lạc hậu; hạ tầng KCX-KCN không còn hoàn chỉnh như xưa; lao động trong KCN-KCX cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình, chưa phải lao động chất lượng cao…
Đồng chí Võ Văn Hoan chia sẻ, nhiều DN trong KCX cũng băn khoăn về việc 20 năm nữa sẽ đi đâu về đâu. Vì thế, TPHCM vừa có chuyên đề nghiên cứu về thực trạng và định hướng phát triển KCX-KCN. Từ chuyên đề này, TPHCM sẽ xây dựng chiến lược phát triển KCX-KCN trên địa bàn trong 10-20 năm tới. TPHCM đang đánh giá lại trình độ công nghệ, trình độ quản trị, trình độ lao động của các đơn vị trong KCX-KCN; từ đó xác định lại khu vực nào sẽ duy trì các KCX-KCN, khu vực nào sẽ chuyển đổi. Nếu duy trì các KCX-KCN ở vị trí cũ thì cũng phải chuyển đổi công nghệ trong từng DN và trong cả khu để tiếp cận với xu thế phát triển mới. Trong trường hợp di dời cũng sẽ có lộ trình chứ không phải làm trong 1-2 năm.