Chiều 13-5, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin, để hồi đáp một số ý kiến băn khoăn cho rằng, đồng tiền mất giá sẽ tác động đến lương hưu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động khi nghỉ hưu, BHXH Việt Nam khẳng định cách hiểu này chưa chính xác, vì trên thực tế, quy định của chính sách BHXH hiện nay đã tính đến yếu tố lạm phát và trượt giá đối với tiền lương đóng BHXH của người lao động.
"Các chính sách này không chỉ tính mỗi mức hưởng lương hưu mà còn tính toán đảm bảo thu nhập của người hưởng lương hưu để cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống trong suốt quá trình hưởng lương hưu"- BHXH Việt Nam cho biết.
Cụ thể, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với những người tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016.
Còn đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 trở đi và người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Do đó, tiền lương hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh theo thời gian nếu có trượt giá hoặc xảy ra lạm phát. Theo cơ quan này, thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu đã liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Năm 2022, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1-1-2022.
"Điều này cho thấy, chính sách BHXH của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp", BHXH Việt Nam đánh giá.