Có được tác phẩm chất lượng dự Giải báo chí Quốc gia là câu chuyện trăn trở của hầu hết cơ quan báo chí, hội nhà báo ở địa phương và chính cá nhân phóng viên.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có tác phẩm báo chí tốt và đạt giải cao? Có lẽ đây là câu hỏi mà mỗi phóng viên, nhà báo gắn bó với nghề báo muốn có lời giải. Để làm rõ nội dung này, Báo Nhà báo & Công luận xin chia sẻ một số ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh & Truyền hình, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố.

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh
Chọn nhóm phóng viên mũi nhọn

Trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh luôn cố gắng phối hợp với các đơn vị tổ chức các giải báo chí ở địa phương để thúc đẩy hoạt động sáng tác của người làm báo, tạo ra những tác phẩm báo chí tốt để tham gia Giải báo chí Quốc gia.

phat suc sang tao cua nguoi lam bao tai dia phuong qua tac pham du giai bao chi quoc gia hinh 1

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tâm

Từ khi Trung tâm Truyền thông tỉnh thành lập, Hội Nhà báo tỉnh cũng tích cực phối hợp, tham mưu để tổ chức hoạt động nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí ở các tất cả các loại hình báo chí. Trong đó có tổ chức các kỳ Liên hoan nghiệp vụ báo chí, đây thực sự là ngày hội để nhà báo phóng viên có những tác phẩm phản ánh sinh động công cuộc phát triển, những thành tựu KT-XH và những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật của tỉnh.

Tham dự Giải báo chí Quốc gia trong nhiều kỳ, người làm báo trên địa bàn tỉnh đã dành được các giải thưởng cao. Chúng tôi nhận thấy cần phải phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước. Chúng tôi lấy các chi hội làm nòng cốt để có tác phẩm tốt tham dự các giải báo chí, các chi hội sẽ yêu cầu các hội viên xây dựng kế hoạch đăng ký đề tài từ sớm. Xây dựng các nhóm phóng viên mũi nhọn sau đó nhóm sẽ lập đề cương, ban thư ký, chi hội sẽ hướng dẫn, định hướng cho phóng viên. Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để có đề tài hấp dẫn, chất lượng được nâng cao hơn.

Nhà báo Nguyễn Hồng Dương - Phó Tổng Biên tập Báo Hải Phòng
Khai thác đề tài cơ quan báo chí địa phương có lợi thế

Có ba vấn đề đặt ra ở đây, đầu tiên cá nhân các phóng viên phải năng động phát hiện đề tài, phải bản lĩnh từ người đứng đầu cơ quan báo chí, dám triển khai và đăng tác phẩm ấy, cuối cùng tác phẩm đó phải tạo hiệu quả xã hội, tạo tiếng vang.

phat suc sang tao cua nguoi lam bao tai dia phuong qua tac pham du giai bao chi quoc gia hinh 2

Nhà báo Nguyễn Hồng Dương - Phó Tổng Biên tập Báo Hải Phòng. Ảnh: Lê Tâm

Tôi nhận thấy các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương chủ yếu về đề tài chống tham nhũng, các cơ quan báo chí trung ương dễ dàng tiếp cận được nguồn thông tin, khi đăng tải luôn có tầm ảnh hưởng, đề cập khai thác vấn đề rộng hơn so với báo địa phương.

Cũng từ thực tiễn cơ quan tôi tham gia các giải báo chí và đoạt giải, tôi thấy có rất nhiều đề tài khác mà các cơ quan báo chí địa phương có lợi thế và khai thác. Đó là gương người tốt việc tốt, các vấn đề vi phạm tồn tại ở cơ sở, phóng viên các tỉnh thường xuyên xuống cơ sở, bám cơ sở, bám cơ sở. Công tác quản lý đất rừng, đất nông nghiệp ở các địa phương. Tình trạng bỏ ruộng hoang, khu công nghiệp gây ô nhiễm...

Hay có thể phản ánh công tác sinh hoạt Đảng ở cơ sở đây cũng là vấn đề nên đầu tư để có những bài viết chuyên sâu. Bản thân khi chúng tôi thực hiện đề tài này cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mới từ thực tế, khi báo chí vào cuộc cơ quan chức năng có thể thay đổi ban hành cơ chế chính sách mới phù hợp hơn.

Từ các văn bản chỉ đạo của trung ương xuống chính quyền cơ sở thực hiện sẽ có những khoảng cách, việc này các cơ quan báo chí có thể khai thác những tồn tại bất cập, kiến nghị lên trung ương những vấn đề, đề xuất giải pháp và từ đó có thể sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách mới sao cho phù hợp.

phat suc sang tao cua nguoi lam bao tai dia phuong qua tac pham du giai bao chi quoc gia hinh 3

Phóng viên các cơ quan báo chí các tỉnh đồng bằng sông Hồng trao đổi nghiệp vụ tại lớp tập huấn nghiệp vụ. Ảnh: Minh Thu

Chung quy lại tôi thấy muốn có đề tài hay, trước tiên cần có sự phát hiện từ phóng viên, có sự nhanh nhạy, lăn lộn từ cơ sở, trăn trở với tìm kiếm đề tài, có cách thể hiện sao cho cuốn hút. Có sự giúp sức từ ban biên tập báo. Tạo thành lớp lang để khi người ta đọc tác phẩm người ta thấy có sự tổ chức, trình bày thống nhất, chặt chẽ từ ban biên tập đến cách thể hiện.

Tác phẩm ấy phải tạo hiệu ứng trong xã hội như thế nào, chọn thời điểm để đăng tác phẩm ấy cũng là một cách để gây được hiệu ứng trong xã hội.

Nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam
Nâng cao trách nhiệm của từng chi hội

Để có tác phẩm chất lượng dự Giải báo chí Quốc gia đầu tiên cần có sự gắn kết giữa chỉ đạo và thực hiện. Nếu cứ phát động mà không triển khai, không xuống tận nơi đôn đốc theo dõi, hỗ trợ sẽ rất khó có tác phẩm chất lượng, hoặc chỉ có tác phẩm cho đủ số lượng mà không đạt được hiệu quả như mong muốn.

phat suc sang tao cua nguoi lam bao tai dia phuong qua tac pham du giai bao chi quoc gia hinh 4

Nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam. Ảnh: Lê Tâm

Cần xác định được lực lượng chủ công, lực lượng nòng cốt, có nghiệp vụ, có kinh nghiệm để đầu tư, có trọng tâm, tránh việc dàn trải. Hiện ở nhiều cơ quan có phòng chuyên đề, phòng xây dựng Đảng, chính trị… có thể tận dụng lực lượng này, tuy nhiên điều này có thể áp dụng linh hoạt ở từng cơ quan đơn vị cụ thể.

Sau khi lựa chọn được đề tài cần khuyến khích anh em, có thể có sự điều chỉnh cho phù hợp chứ không nhất thiết phải theo ý kiến đề tài ban đầu. Điều chỉnh một cách linh hoạt để đề tài có tính thời sự, vừa có chiều sâu. Việc này Hội Nhà báo tỉnh cần phối hợp để kịp thời theo dõi, động viên trong quá trình thực hiện.

Đối với địa phương có địa bàn nhỏ hẹp thì phóng viên cần cố gắng đi cơ sở để tìm kiếm đề tài, các đề tài nhỏ nhưng gần gũi với người dân, nói lên những tồn tại bức xúc của người dân, tập trung vào những tồn tại vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của từng đơn vị chi hội thuộc Hội Nhà báo, ví dụ như Hội Nhà báo Hà Nam có chi hội Báo Hà Nam và Đài PT-TH Hà Nam, Tạp chí Sông Châu… cần đánh giá đúng trách nhiệm của từng đơn vị.

Bên cạnh đó tổ chức các lớp nghiệp vụ, đi thăm quan thực tế ở địa bàn, tạo ra môi trường để hội viên nhà báo tích cực sáng tác. Lựa chọn các đồng chí giảng dạy có nghiệp vụ báo chí phải vững vàng về kỹ năng nghiệp vụ, nhưng cần có khả năng diễn đạt tốt, truyền tải tốt đến hội viên.

Nhà báo Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Biên tập-Thông tin điện tử - Đài PT-TH Hưng Yên

Khắc phục tình trạng phóng viên trẻ ngại làm các phẩm dự thi

Tôi thấy nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự giải báo chí quốc gia chính là chúng ta nâng cao chất lượng các tin bài, các chương trình đăng tải, phát sóng hàng ngày. 

Để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cần lắm một chữ Tâm. Bởi không tâm huyết với nghề, với con đẻ của mình, với sản phẩm của mình thì khó có tác phẩm hay, khó có tác phẩm làm lay động lòng người, chưa kể đến việc định hướng cho dư luận, định hướng cho xã hội, hoặc làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.

phat suc sang tao cua nguoi lam bao tai dia phuong qua tac pham du giai bao chi quoc gia hinh 5

Các đại biểu trao đổi bên lề tại Hội thảo “Làm gì để nâng cao chất lượng tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia?”. Ảnh: Lê Tâm

Hội Nhà báo tỉnh phải giao nhiệm vụ, đặt hàng với tác giả hoặc cơ quan báo chí. Khi phân công, đặt hàng phải nêu rõ yêu cầu, đề tài đó sẽ được thể hiện bằng loại hình nào: Truyền hình, phát thanh, báo in hay báo điện tử. Tránh trường hợp triển khai theo phong trào, cứ cho làm rồi mới duyệt, tốt thì cho đi yếu thì để lại. Các làm này sẽ ít hiệu quả, bỏ phí những đề tài hay.

Xác định rõ đề tài đó sẽ được giao cụ thể cho ai hoặc giao cho một nhóm phóng viên thực hiện, ai sẽ chịu trách nhiệm chính. Người được giao chịu trách nhiệm chính triển khai đề tài phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có sự mẫn cảm về chính trị, vững về nghiệp vụ và có kỹ năng làm báo tinh thông, thuần thục.

Có tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia đây là vấn đề rất quan trọng. Bởi các đồng chí lãnh đạo phòng chuyên môn là người quản lý trực tiếp các tác giả nên không thể đứng ngoài cuộc, hoặc chỉ đạo chung chung.

Nếu như lãnh đạo phòng không tạo mọi điều kiện thuận lợi, không động viên kịp thời, không đồng hành với các tác giả, nhóm tác giả thực hiện tác phẩm dự thi thì khó có thể có tác phẩm tốt, chưa kể đến việc không thông suốt về tư tưởng sẽ còn nhiều vấn đề bất cập nảy sinh.

Trong thực tế do không được sự quan tâm, động viên kịp thời nhiều phóng viên trẻ rất ngại làm các phẩm dự thi, hoặc có làm thì làm một mình theo cách riêng của mình, thậm chí bỏ cuộc. Bên cạnh đó ban biên tập, Hội đồng biên tập cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai tác phẩm và có những ý kiến tham gia để tác phẩm luôn đảm bảo trúng, đúng với chất lượng cao nhất.