Sau 22 năm bị lấp, kênh Hàng Bàng dài gần hai km chảy qua quận 5 và 6 dần được khôi phục với dòng nước trong xanh, công viên thoáng đãng hai bên bờ.
Vài tháng nay, mỗi buổi chiều anh Trần Tuấn Thanh, 36 tuổi, ngụ quận 6, lại mua 9-10 túi bột cám đến đoạn kênh Hàng Bàng, dài khoảng 300 m ở gần nhà rải xuống cho cá ăn. Dưới mặt nước, cá trê, rô phi, điêu hồng... theo từng đàn dày đặc, liên tục ngoi lên đớp mồi.
Từng là dòng kênh đen, sau đó bị lấp, phía trên là những dãy nhà chen chúc, anh Thanh không nghĩ một ngày kênh Hàng Bàng được khơi thông với dòng nước trong xanh, hai bên là công viên thoáng đãng như hiện tại. "Kênh được khôi phục lại từng đoạn vài năm nay, nước sạch nên người dân thường đến thả cá phóng sinh", anh Thanh nói.
Gắn bó với kênh Hàng Bàng hơn 40 năm, từ khi dòng nước còn trong xanh, buổi chiều bà con thường ra ngồi hóng mát, ông Nguyễn Phong, 65 tuổi, cho biết con kênh trước đây thường được người dân gọi là rạch Bãi Sậy. Do con kênh nằm gần chợ Bình Tây, Kim Biên... nên dân cư các nơi liên tục đổ về đây sinh sống, buôn bán. Dọc bờ kênh, nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên chen chúc. Rác sinh hoạt, chất thải xả thẳng xuống kênh khiến dòng nước ngày càng ô nhiễm.
Năm 2000, đoạn giữa kênh Hàng Bàng từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ, dài khoảng 600 m ô nhiễm nặng nên chính quyền TP HCM cho lấp đi rồi lắp đặt cống hộp. Sau đó, người dân xây nhà hai bên nên con kênh chỉ còn là lối đi đổ xi măng rộng chừng 3 m ở giữa. Ngoài đoạn xây cống, hai đầu kênh vẫn được giữ lại nhưng bị lấn chiếm nên chỉ còn rộng khoảng 2 m, dòng nước ô nhiễm trầm trọng với đủ loại rác thải.
Mười lăm năm sau khi lấp, TP HCM quyết định khôi phục kênh Hàng Bàng nhằm thoát nước cho khu vực, giảm ô nhiễm, kết hợp di dời, tái định cư cho các hộ dân sống hai bên. Đây cũng là một phần thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP HCM được triển khai từ năm 2015.
Kế hoạch "hồi sinh" dòng kênh được thành phố chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đã hoàn thành năm 2017 với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, chủ yếu là tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đơn vị thi công đã đào xúc, nạo vét hơn 24.000 m3 đất từ những nền nhà, mặt đường san lấp xuống dòng kênh trước đó. Đến nay, hai đầu con kênh dài gần 400 m được khôi phục và xây mới một trạm bơm trên đường Phan Văn Khoẻ.
Giai đoạn hai từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, dài 750 m đang được triển khai với kinh phí hơn 178 tỷ đồng. Đơn vị thi công sẽ làm tuyến kênh hở hình thang, mặt kênh rộng 12 m, phần đáy rộng 4 m, sâu 4,5 m. Hai bờ xây công viên cùng hệ thống thoát nước dọc đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy thay đường cống cũ. Ngoài ra, các tuyến đường xung quanh cũng được nâng cấp, cải tạo... Để phục vụ dự án có 472 trường hợp phải giải toả trắng, trong đó quận 6 chiếm phần lớn với 344 hộ, tổng kinh phí đền bù gần 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), cho biết phần dự án đi qua quận 6 đã thi công xong đoạn từ đường Chu Văn An đến Ngô Nhân Tịnh dài khoảng 100 m, gồm cả kênh và công viên dọc bên trên. Phần còn lại, địa phương mới giao mặt bằng bên đường Bãi Sậy, trong khi phía đối diện là tuyến Phan Văn Khỏe chưa xong. Do vậy thời gian qua nhà thầu chỉ thi công được một nửa kênh. Trong khi đó, phía quận 5 công tác đền bù đang rất chậm do vướng mắc pháp lý đất đai.
Theo chủ đầu tư, việc giải phóng mặt bằng kéo dài ngoài ảnh hưởng tiến độ dự án còn phát sinh chi phí thi công nên đơn vị đã đề nghị hai địa phương đẩy nhanh. Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, dự án sẽ thi công đoạn từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ, dài 750 m, kinh phí xây lắp khoảng 198 tỷ đồng. Đơn vị thi công cũng nạo vét, khôi phục lại tuyến kênh hở, đồng thời làm bờ kè, công viên và cải tạo xung quanh...
Theo thống kê của Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, tại TP HCM có khoảng 100 kênh rạch bị san lấp, biến mất trong quá trình đô thị hóa với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Nhiều con kênh lớn hiện bị lắp đặt cống hộp thành đường như một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)...
PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, nói Hàng Bàng là một trong dòng kênh hiếm hoi được khôi phục trở lại sau thời gian dài san lấp. Các tuyến kênh tự nhiên ngoài giúp chống ngập còn mang vai trò trữ nước, điều hòa môi trường. Việc san lấp kênh rạch để đặt cống hộp là trái tự nhiên, dẫn đến hệ luỵ là ngập nước, ô nhiễm ngày càng tăng.
"Nhiều thành phố lớn như Seoul tại Hàn Quốc trước đây cũng có tình trạng tương tự là lấp kênh để phát triển đô thị, nhưng họ sớm nhận ra tác động tiêu cực sau đó nên đang từng bước khôi phục lại", ông Phi nói và góp ý TP HCM cần tiếp tục khơi thông thêm các dòng kênh khác.
Trong kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị TP HCM giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổng nhu cầu vốn hơn 19.200 tỷ đồng. Đây cũng là mục tiêu kép giúp giải quyết thoát nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị trên địa bàn...