Sáng 18-5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 06-NQ/TW) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại điểm cầu chính, tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của cả nước, là đô thị đặc biệt. Do vậy công tác quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị TPHCM là vấn đề rất quan trọng không chỉ của thành phố mà của cả nước. Đồng chí bày tỏ đồng tình với những đánh giá, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 06 cũng như tại hội nghị.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, Nghị quyết 06 có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM, trong đó đã gợi mở, tháo gỡ để giúp TPHCM phát triển đô thị không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng, trong mạng lưới đô thị của cả nước. Tại hội nghị đã nêu ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới rất thuận lợi, phù hợp với TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, các cơ quan nghiên cứu để cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 06 gắn với khẩn trương khai xây dựng quy hoạch chung TPHCM, TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo các định hướng phát triển đô thị lớn, siêu đô thị với đa trung tâm.
Cụ thể như các trung tâm đã được hình thành từ Nghị quyết lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM đó là thành phố phía Đông, Tây Bắc và phía Nam… gắn với các chức năng trung tâm như trung tâm tài chính, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trước hết về nhiệm vụ phát triển hạ tầng đô thị, TPHCM thống nhất quan điểm chỉ đạo đó là phát triển đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng biến đổi khí hậu. TPHCM quan tâm hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng xã hội.
Sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội
Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, TPHCM đã triển khai 11 đề án liên quan như đề án chống ngập, xử lý chất thải rắn, đề án phát triển hạ tầng giao thông; các dự án về đường sắt đô thị; đề án hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; đề án xây dựng thành phố thông minh; đề án phát triển hạ tầng viễn thông; đề án phát triển nhà ở; chương trình phát triển cây xanh, chiếu sáng thành phố; chương trình giảm ô nhiễm môi trường,… Trong đó, TPHCM sẽ tập trung phát triển hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng xã hội.
Liên quan đến việc phát triển các hạ tầng trên, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị, quan tâm hình thành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng TPHCM và 7 tỉnh trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển đô thị của vùng.
Đồng thời đề nghị sớm triển khai dự án đường sắt TPHCM – TP Cần Thơ để kết nối giữa TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị, khu đô thị mới cũng như trong chỉnh trang đô thị…
Đối với nhóm nhiệm vụ phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đang tập trung triển khai chương trình nhà ở đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
TPHCM cũng triển khai chương trình chỉnh trang đô thị gắn phát triển công viên cây xanh, chiếu sáng; đồng thời đang xây dựng đề án về cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội để phát triển hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. TPHCM triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân đô thị; tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Trung tâm An sinh TPHCM gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh, đặc biệt là nhóm người yếu thế.
Về phát triển kinh tế đô thị, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục nghiên cứu để triển khai, trong đó thành phố đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ… gắn với việc hình thành các đô thị ven sông, ven biển của TPHCM, cũng như đô thị gắn với công nghiệp và dịch vụ.
Đồng thời, TPHCM hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Sau 1 năm thực hiện triển khai Nghị quyết 131 của Quốc hội, bước đầu TPHCM đã tạo được những thuận lợi và đạt kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, hạn chế. TPHCM đang tích cực sơ kết sau 1 năm triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ để kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục có những định hướng tháo gỡ, có thêm các giải pháp để thực hiện tốt hơn mô hình chính quyền đô thị.
Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin thêm, TPHCM đang tích cực tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Cuối năm 2022, TPHCM sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để có Nghị quyết mới. Trong đó, TPHCM sẽ đề xuất các cơ chế đặc thù cho tổ chức và hoạt động của TP Thủ Đức, đây là thành phố trong thành phố tuy nhiên đang vướng nhiều cơ chế trong hoạt động.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch tích hợp, quy hoạch chung để phù hợp; cần sớm có cơ chế chính sách hoặc thí điểm để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà phát triển đô thị chiến lược để triển khai các mô hình phát triển đô thị mới, chỉnh trang các đô thị…
TPHCM: Dân số ở nhiều quận huyện cao gấp 8 lần bình thường
TPHCM có trên 10 quận huyện với quy mô dân số hơn gấp 3 lần quy mô bình thường. Cụ thể quy mô bình thường ở các quận huyện trong cả nước là khoảng 140.000 dân, còn tại TPHCM có những quận huyện quy mô dân số gấp 8 lần con số này. Trong khi tổ chức bộ máy gần như các địa phương khác, dẫn đến tình trạng quá tải.
Do đó, TPHCM đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế để phù hợp với các địa bàn quận huyện, xã phường đông dân. TPHCM cũng đang triển khai đề án xây dựng chuyển các huyện thành quận và thành phố phù hợp với định hướng phát triển đô thị của TPHCM. Đồng thời, xây dựng đề án chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số để phù hợp với tính hiện đại, quy mô của TPHCM.
|