Chỉ trong buổi chiều 17/5, chị Lê Nguyệt cùng hai con "chạy sô" qua ba trung tâm, sân vận động để cổ vũ các vận động viên thi đấu ở Sea Games 31.

Đây là ngày thứ ba, cả ba mẹ con chị có mặt tại các điểm thi đấu để tiếp lửa cho các tuyển thủ Việt Nam. "Sắp xếp được thời gian tôi lên lịch đi xem vì không muốn các con bỏ lỡ sự kiện thể thao mang tầm cỡ khu vực", người phụ nữ 42 tuổi ở quận Hà Đông chia sẻ.

Nhưng mẹ con chị không đi một mình. Chị cùng 10 gia đình khác đi xem bắn cung, điền kinh và bóng rổ vì biết sẽ có đội tuyển Việt Nam tranh tài. Theo kế hoạch, 13h chị Nguyệt cùng cả đoàn đến Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia xem bắn cung; hơn 15h họ sang sân vận động Mỹ Đình xem thi đấu điền kinh và tối cùng ngày lại vượt 15 km để có mặt tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì để cổ vũ bóng rổ. Trước đó, chị định đưa con đi xem môn wushu, nhưng sân quá tải, buộc phải sang môn khác.

Họ đến Nhà thi đấu huyện Thanh Trì trước giờ thi đấu một tiếng, nhưng khán đài đã chật kín người. Mười gia đình đi cùng chị tản ra tìm chỗ, không ít người đến muộn phải đứng xem vì sân quá tải. "Tôi không nghĩ các môn thể thao từng bị coi kém hấp dẫn, kén người hâm mộ lại đông đến vậy", chị nói và chia sẻ ấn tượng với sự cổ vũ nhiệt tình đối với cả đội nhà và đội bạn, trên các khán đài.

"Đến sân đấu, các con sẽ thấy tự hào khi trực tiếp cảm nhận tinh thần thi đấu kiên cường của các vận động viên. Đây cũng là cơ hội tốt để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trao dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm sống. Rất may hai bé nhà tôi đều rất thích và xin mẹ cho đi thêm. Đi cả ngày mệt nhưng đáng, vì cả gia đình có được những khoảnh khắc đáng nhớ", chị nói.

Khoảnh khắc các cổ động viên tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì hò reo khi đội tuyển bóng rổ Việt Nam ghi bàn thắng, tối 17/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Các cổ động viên tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì hò reo khi đội tuyển bóng rổ Việt Nam ghi điểm, tối 17/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà thi đấu huyện Thanh Trì có sức chứa 1.500 chỗ, sát giờ thi đã kín người, đặc biệt là tại các khán đài A, B. Nhiều cổ động viên đến sau buộc phải đứng hoặc ngồi tại các lối lên xuống.

"Nhất là trong những ngày diễn ra các trận đấu bóng rổ, người hâm mộ cổ vũ rất nhiệt tình, chuyên nghiệp, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Những ngày đội tuyển Việt Nam không thi đấu vẫn đông người đến xem. Tình trạng thưa thớt trên khán đài chưa xảy ra", một lãnh đạo của Nhà thi đấu huyện Thanh Trì nói.

Hai tiếng trước trận chung kết 10.000 m nữ và 100 m nam của đội tuyển điền kinh Việt Nam chiều 18/5, Nguyễn Hân, 28 tuổi, quận Cầu Giấy, đã có mặt ở sân vận động Mỹ Đình. Cố đến sớm chọn chỗ ngồi đẹp nhưng bãi gửi xe đông đặc, đoàn người xếp hàng dài chờ vào sân khiến Hân ngỡ ngàng. "Tôi cứ tưởng cảnh tượng chỉ có trong các trận bóng đá, nay xuất hiện cả với điền kinh, bơi lội, bắn cung và nhiều môn thi đấu khác. Trên khán đài có ít nhất 15.000 người", cô nói.

Từ hôm bắt đầu khai mạc SEA Games 31, cô nhân viên văn phòng đều dành hai tiếng mỗi ngày để đi cổ vũ đội tuyển Việt Nam. "Tôi không thể đi tất cả các trận do lịch thi đấu trùng nhau và phân bổ tại nhiều tỉnh. Nhưng mỗi ngày đều cố gắng đến một nhà thi đấu, sân vận động quanh Hà Nội", Hân cho biết.

Công việc bận rộn, không ít lần Hân phải mang máy tính xách tay vào sân, tranh thủ giờ giải lao để giải quyết công việc. Nhiều người khuyên xem chiếu lại trên truyền hình, Hân từ chối: "Tôi muốn ra sân cổ vũ, khích lệ tinh thần cho đội nhà. Tôi sợ đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà mà không có khán giả, tinh thần chắc chắn bị ảnh hưởng", Hân nói.

Nhưng gần một tuần đi cổ vũ, cô bất ngờ bởi các khán đài chưa bao giờ hết lửa. Người đến cổ vũ, mang theo cờ, trống, kèn, rất đông, ngay cả ngày giữa tuần.

Nguyễn Hân tranh thủ xử lý công việc trên máy tính cá nhân giữa giờ nghỉ giải lao tại sân vận động Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, chiều 18/5. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nguyễn Hân tranh thủ xử lý công việc trên máy tính cá nhân giữa giờ nghỉ giải lao tại sân vận động Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, chiều 18/5. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

"Tại SEA Games 31, mỗi buổi thi đấu điền kinh trung bình thu hút hơn 10.000 khán giả trên tổng 40.000 ghế ngồi tại sân Mỹ Đình", ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia cho biết. Cũng theo ông Hổ, tại SEA Games lần này lượng người đến xem gấp khoảng 20 lần so với các giải đấu khác. Hai, ba tiếng trước trận đấu người dân đã xếp hàng vào sân. Khán giả chọn ngồi tại vạch đích, khu vực nhảy xa, nhảy sào hoặc ném đẩy để thuận tiện xem.

Giám đốc Khu liên hợp thể thao chia sẻ thêm, một lượng lớn khán giả đến cổ vũ ở nhiều môn thể thao, không riêng bóng đá. Một số khu thi đấu riêng như bơi lội, bắn cung có lúc phải đóng cửa, ngừng nhận khán giả vì điểm thi đấu quá tải. "Chúng tôi rất bất ngờ khi người hâm mộ đến xem đông, đặc biệt là vòng tranh huy chương", ông Hổ nói.

Không chỉ sân vận động Mỹ Đình, nhiều trung tâm, nhà thi đấu khác cũng ghi nhận tình trạng quá tải, khán đài không còn chỗ trống.

"Đó là lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc", TS Nguyễn Ánh Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định. Theo bà, việc người dân xếp hàng, ngồi chật kín trên các khán đài ở các môn thi đấu của SEA Games 31 để cổ vũ vừa thể hiện tình yêu thể thao vừa cho thấy mong muốn giải tỏa tâm lý sau khoảng thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh.

Theo dõi sát từng trận đấu, bà Hồng nhận thấy khán giả Việt đi cổ vũ ngày càng văn minh, thể hiện tinh thần fair play, không chỉ đội nhà mà còn cả đội bạn. "Họ mang đến khán đài một không khí sôi động, nhiệt thành thay vì đặt nặng chuyện thắng thua", nhà nghiên cứu nói. So với SEA Games 23 tổ chức tại Việt Nam 19 năm trước, bà Hồng nhận thấy lượng người cổ vũ tăng nhanh, không chỉ thanh thiếu niên mà cả người trên 60 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, 70 tuổi, chủ nhiệm CLB Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi, huyện Thanh Trì là ví dụ.

Tối 17/5, bà cùng bạn bè mang theo trống, kèn, cờ Tổ quốc đến nhà thi đấu huyện, để cổ vũ cho đội tuyển bóng rổ Việt Nam dù thừa nhận "không hiểu sâu" về bộ môn này. "Tôi mong các vận động viên thi đấu với quyết tâm cao. Thể thao là đoàn kết, gắn kết con người với nhau, không kể màu da, dân tộc. Vì quá háo hức, tôi phải rủ bạn bè đi xem trực tiếp. Đây là một trong nhiều môn tôi có mặt trên khán đài", bà Nhung nói.

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, thực tế cho thấy nhóm người cao tuổi ngại đến những nơi đông người, ồn ào nhưng sự xuất hiện của họ trên các khán đài tại SEA Games, chứng tỏ tinh thần yêu thể thao của người Việt gia tăng.

"Nhiều người bày tỏ việc hòa mình vào không khí sôi động, chứng kiến những bàn thắng đỉnh cao khiến họ như trẻ lại. Nhất là vào những sự kiện đặc biệt của đất nước", nhà nghiên cứu nói.

Anh Đặng Việt đến cổ vũ đội tuyển khiêu vũ thể thao tại Nhà thi đấu quận Long Biên, chiều 16/5. Ảnh: Thế Quỳnh

Anh Đặng Việt đến cổ vũ đội tuyển khiêu vũ thể thao tại Nhà thi đấu quận Long Biên, chiều 16/5. Ảnh: Thế Quỳnh

Anh Đặng Việt, ở quận Ba Đình đến Nhà thi đấu quận Long Biên xem chung kết khiêu vũ thể thao hôm 16/5. Cố đến trước giờ thi đấu gần hai tiếng nhưng trên khán đài đã chật cứng người. "Có lẽ đây là một trong số ít những lần khán đài của khiêu vũ thể thao đông đến vậy", người đàn ông 37 tuổi, chưa từng bỏ lỡ ngày thi đấu nào của môn khiêu vũ thể thao từ vòng loại, nói.

Do đặc thù môn thi, cổ động viên không được la hét hay đánh trống, sợ thí sinh mất tập trung. "Nhưng không vì thế mà giảm sự cuồng nhiệt trên khán đài. Những người hâm mộ như tôi mong tiếp thêm động lực để đội tuyển Việt Nam đạt thành tích tốt nhất. Nhưng địa điểm tổ chức chung kết chỉ khoảng vài trăm ghế ngồi, nhiều cổ động viên phải đứng xem hoặc quay về, cũng hơi tiếc nuối", anh Việt kể.

Còn với gia đình chị Nguyệt, trước khi SEA Games kết thúc, chị sẽ cùng các con đến xem nhiều trận thi đấu khác. "19 năm mới có một lần, tôi hy vọng sẽ lưu lại dấu ấn đặc cho các con về tinh thần đoàn kết dân tộc, tình đồng đội tại những trận thi đấu đỉnh cao", chị nói.