Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Học viện Chính trị Khu vực II và trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh với hơn 800 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II nhấn mạnh, cuốn sách là sự tổng kết toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam; là sự khẳng định mạnh mẽ và nhất quán về chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, có kế thừa và tiếp thu những tinh hoa của sự phát triển nhân loại. Đồng thời, xác định rõ ràng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là phù hợp với phát triển của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Tọa đàm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, người lao động và học viên Học viện Chính trị khu vực II về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; về ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc qua những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Qua đó, góp phần lan tỏa, củng cố và phát triển niềm tin của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động và học viên Học viện trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về con đường đi lên CNXH từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nhận thức sâu hơn, rõ hơn.
Theo TS Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị Khu vực II, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 29 bài viết với rất nhiều vấn đề, mang lại hàm lượng kiến thức rất lớn cho người đọc. Trong đó, cuốn sách đã trả lời cho câu hỏi CNXH là gì và bản chất của CNXH Việt Nam; đồng thời để cập đến như 8 đặc trưng là mục tiêu mà nước ta cần phải đạt tới.
Các bài viết đã đi vào những vấn đề rất cụ thể của CNXH Việt Nam, như: về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng nhà nước pháp quyền; hoàn thiện hệ thống pháp luật; về thể chế; về kinh tế nhiều thành phần; về vấn đề văn hóa và xây dựng con người…
Hội thảo cũng thảo luận sôi nổi về bài học từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới theo định hướng của Đảng; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong đối ngoại của Việt Nam hiện nay mà cuốn sách của Tổng Bí thư đề cập.
Về đối ngoại của Việt Nam, TS Lê Thị Bình, Phó Trưởng khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Khu vực II bày tỏ, trên phương diện ngoại giao, thông qua cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm bật lên được tầm vóc của nền ngoại giao nước ta hiện nay. Ở đó, đồng chí đã nhấn mạnh đến khái niệm ngoại giao “cây tre”, thể hiện cốt cách, khí phách, tâm hồn của dân tộc Việt.
Qua đó, lột tả được giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện bản sắc dân tộc và cũng thể hiện được tính hiện đại, sự trưởng thành, lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh mới, đó là sự biến động rất phức tạp, khó lường của thế giới hiện nay.
Ngoài ra, qua các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu trao đổi về quan điểm “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II nhấn mạnh, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích sâu sắc nhận thức của mình qua những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời làm rõ hơn con đường đi lên CNXH; làm rõ việc phát triển một nền văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam trong thời kỳ mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng từ cuốn sách trên, các đại biểu cũng đã phân tích mối quan hệ giữa thị trường nhà nước và xã hội, đồng thời chỉ ra mâu thuẫn trong sự phát triển mô hình kinh tế thị trường.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, thông qua tọa đàm và các tham luận gửi về ban tổ chức cho thấy những nội dung của cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được nghiên cứu rất nghiêm túc, công phu.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng mong muốn những vấn đề, nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ hơn ở những diễn đàn khoa học khác; đồng thời trở thành những tư liệu quý của giảng viên, học viên Học viện Chính trị Khu vực II nói riêng và các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đơn vị trên cả nước nói chung.