Sau 2 năm tăng trưởng quá “nóng”, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng suy giảm. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, sự suy giảm này là yếu tố cần thiết để thị trường đi về giá trị thực.
Thị trường chứng khoán đang “trôi” về giá trị thực?
Trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có rất nhiều biến động, khiến thị trường trồi sụt liên tục.
Trong báo cáo toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam vừa được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố vào sáng nay (25/5), ông Cấn Văn Lực, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Trong năm 2021, thị trường chứng khoán phát triển bùng nổ về cả quy mô lẫn tính thanh khoản.
Trong đó, chỉ số VN-Index lập đỉnh kỷ lục trên 1.500 điểm và cuối năm 2021 tăng 35,7%, vượt trội so với mức tăng bình quân 15,2% của 5 năm gần nhất.
Các chỉ số HNX-Index và Upcom Index cũng lập đỉnh mới tại 473,9 điểm và 114 điểm tăng lần lượt là 133% và 51% so với đầu năm 2021.
Lợi nhuận toàn thị trường tăng vượt trội so với bình quân 5 năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường 4 quý gần nhất năm 2021 tăng 33,6% so với năm 2020 so với mức tăng bình quân 14% của 5 năm trước.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, vốn hóa thị trường đạt khoảng 7,7 triệu tỷ đồng (tương đương 343,6 tỷ USD); tăng 48,4% so với cuối năm 2020 và tương đương 98,4% GDP 2021, cao hơn so với mức tăng bình quân 33% của 5 năm trước.
Bước sang quý I/2022, thị trường có xu hướng chững lại, khi chỉ số VN-Index ngày 31/3/2022 chỉ đạt 1.492,15 điểm, giảm 0,41% so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, chỉ số VN30 giảm 1,77% và chỉ số nhóm vốn hóa trung bình giảm 1,56%. Nhóm vốn hóa thấp là nhóm duy nhất tăng điểm với mức tăng 1,85%. Khối nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 7,3 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo trong ngành chứng khoán, cũng như khởi tố lãnh đạo một số “ông lớn” trên thị trường đã khiến thị trường đảo chiều.
Ông Lực nhấn mạnh: Thị trường chứng khoán trong quý I/2022 đang gặp rất nhiều thách thức, như chiến sự Nga - Ukraine phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực đến giá cả, lạm phát, tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán xử lý tình trạng thao túng giá cổ phiếu trên TTCK của lãnh đạo Tập đoàn FLC, hủy 9 đợt phát hành TPDN gần đây của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, một số lãnh đạo cơ quan quản lý bị xem xét kỷ luật vì sai phạm trong việc quản lý thị trường..
“Tất cả điều này cho thấy thị trường đang điều chỉnh về giá trị thực sau thời gian tăng khá nóng và đây cũng là quá trình thanh lọc, được kỳ vọng về một thị trường minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới”, ông Lực cho biết.
Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, trong tháng 5, có rất nhiều phiên giao dịch thị trường rơi cảnh “tắm máu”, hầu hết các cổ phiếu chủ lực, nhất là nhóm bất động sản giảm điểm. Đã có phiên, chỉ số VN-Index mất tới 70 điểm. Trong phiên giao dịch sáng nay (25/5), chỉ số VN-Index đã giảm xuống cón 1.239 điểm.
2 kịch bản của thị trường chứng khoán
Sau hai năm bùng nổ, ông Cấn Văn Lực vẫn đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán, và dần trở lên ổn định và lành mạnh hơn.
Ông Lực phân tích, thứ nhất, ở trong nước, kinh tế phục hồi với kịch bản cơ sở tăng trưởng 5,5% - 6%, lạm phát tăng nhưng trong tầm kiểm soát khoảng 4%,...
Những yếu tố này giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh nhờ phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.
Thứ hai, ở bên ngoài, các quốc gia và khu vực là đối tác thương mại, đầu tư và du lịch chính của Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, tạo điều kiện tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút FDI và phục hồi du lịch. Trong đó, ông Lực đặt rất nhiều niềm tin vào Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thứ ba, dư địa phát triển của thị trường cổ phiếu còn lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện nghiêm hơn đối với yêu cầu niêm yết đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Thứ tư, thị trường vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước khi thanh khoản được duy trì ở mức cao, mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, tiếp tục là động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước trong khi áp lực rút vốn của khối ngoại tăng không đáng kể do tiềm năng, giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Lực vẫn rất quan ngại về tình trạng thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán. Đây chính là nguyên do có thể khiến thị trường chứng khoán đi xuống trong thời gian tới.
Dựa trên các cơ sở này, ông Lực dự báo 2 kịch bản của thị trường chứng khoán trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Kịch bản đầu tiên, nếu điểm số VN-Index ghi nhận ở ngưỡng 1.436 điểm, với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E 14,5 lần. Điều này sẽ khiến thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn duy trì ở ngưỡng 932 tỷ USD/phiên.
Kịch bản 2, nếu VN-Index tăng vọt lên ngưỡng 1.614 điểm, với giả định EPS tăng trưởng 16,5% và P/E 16,3 lần. Thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn có thể tăng lên 1.107 tỷ USD/phiên.
Cùng với đó số tài khoản mở mới tăng lần lượt 20% và 30% cho 2 kịch bản. Vốn hóa thị trường tăng tương ứng -4% và 8%.