Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng sẽ giải quyết được một loạt vấn đề, nhất là tình trạng “trên nóng mà dưới không nóng”.

VLTS: Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, khẳng định sự quyết liệt của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm minh. Những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương rõ đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất cứ sự can thiệp nào, qua đó củng cố lòng tin của đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Trung ương rất quyết liệt

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành mà Trung ương mới đề ra đã một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng. 

Ông phân tích: “Ta đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương do Tổng Bí thư làm Trưởng ban và đã hành động rất quyết liệt. Những quyết định vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nỗ lực lớn, lấy lại niềm tin của nhân dân. Đảng đã khẳng định niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ là một tài sản vô giá, thiêng liêng, không thể để mất.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Mà tham nhũng là đối lập với dân chủ, là điều phản cảm lớn nhất trong xã hội. Nếu chống được tham nhũng thì chúng ta sẽ tăng cường được sức mạnh trong sạch của Đảng nhất là có sự ủng hộ bền vững của nhân dân”.

Bác Hồ đã nói “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Theo GS Bảo, cán bộ, đảng viên và nhân dân mà đủ cả 4 đức cần, kiệm, liêm, chính mới là “người hoàn toàn”.

GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, muốn được như vậy thì phải đối mặt với “kẻ thù tham nhũng”, cho nên quyết tâm chống tham nhũng là một quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng. 

Ông nhận định, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành được rất nhiều địa phương hưởng ứng điều này lại càng cho thấy “ý Đảng, lòng dân” và “phép nước” đã gặp nhau. 

GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: “Sự gặp gỡ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chúng ta thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Hay nói như Bác phải có quyết tâm lại phải có tín tâm (lòng tin với dân) và phải đồng tâm (sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân) làm một".

Nói về tình trạng tham nhũng vừa qua khi có nhiều cán bộ bị xử lý, GS Hoàng Chí Bảo lý giải, họ đã không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, “đồng tiền khi đã lên ngôi mà không làm chủ được thì sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc, lợi ích và danh vọng; nó sẽ làm cho tất cả cơ đồ, sự nghiệp mất hết”.

Ngay từ năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" - đây là lời cảnh báo sớm của Bác từ hơn nửa thế kỷ trước. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, khi lợi ích vật chất làm cho con người ta buông lỏng tu dưỡng đạo đức, xem thường, coi nhẹ đạo đức chỉ thấy kinh tế, chỉ thấy tiền bạc thì đó là một sai lầm. Điều này sẽ phải trả giá mà rõ nhất là sự mất mát cán bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng. 

Theo ông, phải coi trọng tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá…nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền thì đạo đức cách mạng có trò rất quan trọng.

“Phải chú trọng giáo dục thường xuyên cho cán bộ, đảng viên, giáo dục lương tâm, giáo dục liêm sỉ, phải biết nhục khi tham nhũng. Giáo dục đóng vai trò hàng đầu, giáo dục lương tâm, danh dự, khi biết nhục, biết xấu hổ về tham nhũng thì sẽ tự cho mình một rào chắn để bảo vệ.

Tiếp nữa, phải coi trọng kỷ luật, pháp luật, phải có một hàng rào chế tài chặt chẽ, không để lọt lưới, không để cán bộ sa ngã”, ông nêu các giải pháp trong phòng chống tham nhũng.

Cuối cùng theo ông phải kiên trì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ chống, thi hành mà còn thu hồi được tài sản tham nhũng để trả lại lợi ích cho nhân dân bằng cách đầu tư an sinh xã hội, tức là nói đi đôi với làm.

Tránh tình trạng “trên nóng mà dưới không nóng”

Nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ, hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra có rất nhiều vấn đề được thảo luận, thông qua.

Dẫn từ dự thảo báo cáo ý kiến của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới, ông Truyền cho biết, nhân dân cho rằng hội nghị đã giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, với mong muốn liên tục, đều khắp, Trung ương làm và địa phương cũng làm, không còn khoảng cách giữa Trung ương và địa phương.

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền.

Theo ông, muốn như vậy phải có hệ thống ban chỉ đạo và như Trung ương đề xuất đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành là hợp lý, sẽ giải quyết được một loạt vấn đề.

Ông lý giải, đó là “tránh việc trông chờ Trung ương. Khi Trung ương chỉ đạo, địa phương lại phải chờ xem Trung ương làm thế này. Khi có Ban Chỉ đạo sẽ phát huy được tính chủ động, tích cực của tất cả địa phương. Trung ương cũng làm mà địa phương cũng làm, không bỏ sót vụ nào cả. Nhất là tránh tình trạng ‘trên nóng mà dưới không nóng’”.

Theo ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Trung ương, việc thành lập Ban Chỉ đạo thể hiện sự quyết tâm của Bộ Chính trị. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, không chỉ là ý chí, nhiệm vụ của Trung ương mà còn là nhiệm vụ của toàn Đảng.

“Ban Chỉ đạo Trung ương lâu nay làm vẫn tốt nhưng để đảm bảo nhiệm vụ chính trị lớn thì bên dưới cũng nên tổ chức. Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp địa phương là một bước phát triển”, ông nói.

Tuy nước ta đang chủ trương về tinh gọn bộ máy, theo ông Hà Đăng, riêng về công tác phòng chống tham nhũng thì việc lập thêm Ban Chỉ đạo “là một đóng góp”, nhất là trước tình trạng tham nhũng tiêu cực đòi hỏi toàn Đảng, của dân phải ngăn chặn đẩy lùi.