Chứng chỉ hành nghề có giá trị trong vòng 5 năm, buộc phải thi
Tại buổi thảo luận tại tổ về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 26.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi lần này có nhiều sự thay đổi căn bản với mục tiêu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân; đảm bảo phát triển công bằng giữa cơ sở Nhà nước và tư nhân.
Ông cho biết, mong muốn lớn nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân cả nước. Đó cũng là lý do vì sao trong dự thảo luật là lấy người dân làm trung tâm.
Tại phiên thảo luận, ông Long đã làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc thi cấp chứng chỉ hành nghề; nâng cao chất lượng y tế cơ sở; vấn đề tài chính…
Trong đó, vấn đề thi cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, đến thời điểm này có lẽ Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề. Chúng ta cứ học xong rồi thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào.
Theo ông Long, hiện nay, nước ta có 27 trường đào tạo khối ngành y, chất lượng đào tạo của các trường khác nhau. Nhưng, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, việc cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ.
Hiện nước ta chưa có chuẩn chung trong chất lượng nên trong dự thảo luật xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc phải tham dự các kỳ thi, có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề thì anh phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời" - ông Long khẳng định.
Vì vậy, ông Long cho hay, dự thảo luật đã đưa ra 2 cách thức có thể cấp: Một là trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới. Hai là, nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại.
Như vậy, một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được. Trong quá trình đó thì năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên. Còn nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho người bác sĩ phải học.
Theo bộ trưởng, đó là lý do vì sao dự thảo luật đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ trước, sau đó mới đến các đối tượng khác, bởi lẽ dẫu sao bác sĩ có nhiều chuẩn quốc tế người ta đã có. Nếu làm được như vậy thì chúng ta đã hội nhập đối với quốc tế.
Sai phạm xã hội hoá trong y tế rất nhiều
Vấn đề về xã hội hóa, theo ông, là công việc rất quan trọng với ngành Y tế. "Lâu nay, vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ" - ông Long thông tin.
Liên quan tới vấn đề y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo luật lần này cũng hướng tới kết hợp nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước tiên là phân cấp quản lý; phân cấp chuyên môn.
Trước đây, chúng ta có 4 cấp chuyên môn nhưng lần này chỉ có 3 cấp, cấp huyện và xã cơ bản là 1 cấp. Như vậy, người dân ở tuyến xã có thể tiếp cận y tế cơ sở ngay tại địa phương. Cùng với đó là nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
GS.TS Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho hay, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia.
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm, chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; còn giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện việc cấp phép hành nghề.
"Rõ ràng, Hội đồng Y khoa Quốc gia làm về công tác chất lượng, giờ yêu cầu cấp Giấy phép hành nghề thì không hợp lý. Trong khi việc thu hồi Giấy phép hành nghề lại được quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, tức là giao cho đơn vị chuyên môn như Bộ Y tế, Sở Y tế thu hồi.
Đơn vị nào cấp thì đơn vị đó có thẩm quyền thu hồi, chứ không có chuyện một đơn vị cấp, một đơn vị khác lại thu hồi" - ông Phương nói.
Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cho rằng, dự thảo nêu "rất khiêm tốn" về chính sách cho y học cổ truyền và y học dân gian, chưa thể hiện hết toàn diện nội dung và vai trò, vị trí của loại hình này trong hệ thống y học Việt Nam.
Chính vì vậy, theo ông Sơn để y học cổ truyền, y học dân gian phát triển và có "chỗ đứng" trong hệ thống y học cần đẩy mạnh thể chế hoá, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, nhất là với y học cổ truyền, y học dân gian.