Chuyến đi Trường Sa tuy không dài nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu nhiều hơn về những anh lính biển, có cả những người mà cuộc đời gắn với sóng nước mênh mông.

Sau gần chục ngày đêm theo hải trình đến thăm nhiều điểm đảo tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, tàu KN290 chở hơn 200 đại biểu cập bến an toàn tại TP.HCM vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19-5).

Anh em trong đoàn bảo nhau “mới từ biển về, xem chừng dễ bề say đất”. Còn tôi thì vẫn say sưa với những món “quà quý”, đó là những người bạn mới, những bài học hay, những trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt.

Những “anh nuôi” trên tàu KN290

Món quà đầu tiên có lẽ là tình cảm của những anh thủy thủ phục vụ trên tàu KN290, mà tôi hay gọi thân thương là “anh nuôi”. Nói như chị Phương Thảo (Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM): Rất nể phục các anh em vì phục vụ mỗi ngày tận bốn bữa ăn cho hơn 200 người, quan trọng là rất đúng giờ và đồ ăn cũng rất ngon. Các anh nuôi làm việc rất chuyên nghiệp, thức đến 11 giờ đêm và dậy từ hơn 3 giờ sáng. Làm việc tất bật và mệt mỏi nhưng anh bếp trưởng và các anh em khác đều vui vẻ, tươi cười.

Còn anh Tô Thành Thật (MTTQ quận Bình Thạnh) thì tự hào chia sẻ cảm xúc: “Thật tình đến đây tôi thấy “thơm lây” cho cánh đàn ông khi nhìn vào các “anh nuôi”. Họ nấu đồ ăn rất ngon, chăm chút từng món ăn rất tỉ mỉ, thậm chí không thua kém gì chị em nội trợ”.

Trường Sa, chuyện bình thường cũng khiến lòng thổn thức  ảnh 1

Các chiến sĩ ở Trường Sa giao lưu văn nghệ với Đoàn công tác số 9.

Để đảm bảo thức ăn cho hơn 200 người trong suốt hải trình dài, các anh em hải quân đã tính toán chi tiết, cẩn thận từ trước; vừa đảm bảo số lượng, chất lượng và vừa phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có hôm biển động, nhiều thành viên say sóng, các anh chủ động làm cơm nắm, muối mè (vừng) mang đến từng phòng rồi cẩn thận động viên: “Anh chị em ráng ăn một chút thì mới đủ sức khỏe”.

Người khiến chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là bếp trưởng tàu KN290, Đại úy Trần Lệ Hùng với dáng người chắc khỏe và đầu cạo trọc. Hễ gặp nhau ở đâu, anh Hùng đều cười hiền lành, khoác vai rồi hỏi: “Anh em ăn uống có được không em?”. Anh Hùng chia sẻ: “Tôi mê nấu nướng từ nhỏ, khi vào quân ngũ thì được phân công làm nhiệm vụ này. Những lúc sóng gió, việc nấu nướng tuy có khó khăn hơn nhưng anh em luôn quyết tâm làm thật tốt, để các đại biểu ăn uống đúng giờ, đủ chất, đảm bảo sức khỏe để di chuyển dài ngày trên biển”.

Trường Sa, chuyện bình thường cũng khiến lòng thổn thức  ảnh 2

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM (phải) và bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trồng cây lưu niệm tại đảo Trường Sa. Ảnh: ĐỖTHIỆN

Phía sau giọt nước mắt của những người lính

Theo Đoàn công tác số 9 của chúng tôi có một số người thân của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Chúng tôi bắt gặp giọt nước mắt của những người lính trẻ. Như chiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, vừa gặp cha mình và chỉ nói được đôi câu thì nghẹn giọng rồi vội lau nước mắt: “Hồi trước em quậy lắm, cứ làm ba mẹ khóc hoài”.

Nói vui thì cha mẹ Nam đã “quen mặt” mấy anh công an phường vì hay được “mời” làm việc. Ra đảo Trường Sa, được anh em đồng đội giúp đỡ và yêu thương, em trưởng thành hơn nhiều lắm. Biết sống kỷ luật với bản thân, biết quan tâm người xung quanh, biết nghĩ cho cha mẹ, biết làm việc nhà và em có thể nấu bữa cơm phục vụ gần 20 người.

 

Chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng, đồng đội của Nam, bất ngờ khi cha đến thăm. Thắng nói “không thể diễn tả được cảm xúc” rồi cũng… nghẹn lời. Đôi khi, sự trưởng thành của một người lính trẻ đơn giản chỉ như hình ảnh của Thắng - ôm siết đôi vai cha, dẫn cha đi dạo một vòng, tự hào giới thiệu với cha về đồng đội, tiễn cha và chờ cho đến khi chiếc tàu KN290 đã rời xa bến.

Rời Trường Sa, tôi vẫn nghĩ về giọt nước mắt của những người lính “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Có khi tàu của kẻ địch chỉ cách họ dăm ba ngàn thước. Có khi những cơn bão dữ tợn ập đến mà họ chỉ kịp tính toán bằng giờ. Thế nhưng chưa bao giờ họ cho phép ý chí, lòng can đảm của mình trở nên nhỏ bé trước bất kỳ mối gian nguy nào.

Chúng ta cũng vô cùng cảm động trước sự tận tâm phục vụ của cán bộ, chiến sĩ tàu kiểm ngư KN 290 dù vất vả nhưng lúc nào nụ cười cũng nở trên môi, ân cần đưa từng đại biểu lên, xuống tàu, chăm sóc sức khỏe, sẵn sàng cho những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng phục vụ đoàn. Nhờ vậy tạo nên mối quan hệ thân thiện, gần gũi như đại gia đình.

Sự nhiệt tình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, cũng như các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng rất sôi động, là tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu trên tàu.

Ông NGUYỄN HỒ HẢIPhó Bí thư Thành ủy TP.HCM

Những giọng hát vang giữa biển trời

Tham gia hành trình đến Trường Sa và Nhà giàn DK1 còn có đoàn văn công, gồm rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ. Chỉ nhớ những ngày cuối cùng của chuyến đi, hầu hết đã khàn tiếng vì “cháy hết mình” với anh em thủy thủ, với quân và dân trên các điểm đảo. “Kìa kìa, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng”; “Aaaaa… ca sĩ Phương Thanh cũng đến”. Chưa kể đến ban nhạc Trường Sa với anh em nhà Enuol Y Vol (nhạc công chơi trống) và Y Garia (giọng ca rock) - hai người con của NSND Y Moan.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng từng nhiều lần đến Trường Sa nhưng với anh cảm xúc vẫn còn tươi mới: “Các chiến sĩ ở đây luôn tràn đầy nhiệt huyết khiến tôi thấy lại tuổi trẻ của mình. Có những nụ cười khiến tôi không thể nào quên… Đó sẽ là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục đóng góp những tác phẩm âm nhạc gắn kết đất liền và biển đảo”.

Tay trống Enuol Y Vol, sau gần 20 năm quay lại Trường Sa, đã cháy hết mình qua từng ca khúc. Có hôm anh “máu” quá, cao hứng thảy luôn dùi trống về khán giả khiến ai nấy hò reo cuồng nhiệt. “Có những anh em chiến sĩ đi xa nhà, gặp anh em nghệ sĩ ở đất liền ra thì vui lắm, có người tôi thấy còn rơi nước mắt. Thay vì nói ra bằng lời, chúng tôi dùng âm nhạc để gửi tấm lòng, tình cảm đến quân và dân ở Trường Sa” - Enuol Y Vol nói.

“Những tiết mục văn nghệ được các anh chị đoàn văn công chuẩn bị công phu, biểu diễn rất tình cảm, sôi nổi, hào hùng giúp anh em chiến sĩ cảm thấy càng gắn bó và càng yêu thương biển đảo nhiều hơn” - Đại úy Quách Hữu Quang, thuyền trưởng chiếc KN290, nói.

Không chỉ các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, các ca sĩ, diễn viên múa “bất đắc dĩ” trên tàu cũng máu lửa, cũng sôi sục, cũng đáng yêu. Tôi nhớ Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, máu lửa lên sân khấu “cháy hết mình” cùng anh em. Đó chỉ là một trong số hàng trăm người luôn nhiệt huyết, cháy hết mình trên hành trình hướng tới Trường Sa.

Tặng bằng khen nhiều cá nhân xuất sắc

Kết thúc chuyến đi, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng kỷ niệm chương và chiến sĩ Trường Sa cho 198 đại biểu tham gia đoàn công tác. UBND TP.HCM tặng bằng khen cho 12 tập thể và 15 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tặng bằng khen cho 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, phục vụ đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022.