Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng nếu sợ ngân sách thất thu mà không giảm thuế để "ghìm" giá xăng thì lo ngại sẽ thất thu hơn với khả năng lạm phát gia tăng mạnh.
Ủy ban Kinh tế đã đề nghị nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về việc giảm thuế để hạ giá xăng, Bộ Tài chính cho rằng liên quan đến vấn đề xăng dầu thì cần hỏi Bộ Công Thương. Một số ý kiến lo ngại vấn đề thất thu ngân sách nếu tiếp tục giảm thuế phí với xăng dầu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đối với thuế bảo vệ môi trường, nếu giảm tiếp có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải đợi trình Quốc hội. Đại biểu Quốc hội:
Tóm lại phải biết hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Bộ Tài chính sợ thất thu vì giảm thuế thì có thể sẽ gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi vì lạm phát bùng nổ thì các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Chi thường xuyên cũng đều tăng. Chưa kể lạm phát bùng lên thì doanh nghiệp khó khăn, lấy đâu khoản thu? Sản xuất kinh doanh sao phục hồi được?
Tại các buổi thảo luận tổ và tại hội trường Quốc hội, ông nhiều lần kiến nghị giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Vì sao ông lại kiên trì với quan điểm này?
- Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ 1/4 vừa qua, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể.
Giá cả nếu tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn vì 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của họ. Nay lại gặp bão giá, họ sẽ hết sức vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics…
Đối với ngân sách Nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách. Nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Bởi giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này.
Lạm phát do chi phí đẩy là nỗi lo rất lớn thời điểm này khi giá xăng dầu cứ liên tục lập kỷ lục, thưa ông?
- Nếu lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt chi ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát.
Bên cạnh đó, các dự toán về xây dựng, chi thường xuyên hay tiền lương cũng phải được điều chỉnh theo tốc độ trượt giá. Thà rằng mình chi ngân sách trước cho việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào để các khoản chi khác không tăng lên, còn hơn phải đối mặt với việc lạm phát tăng cao.
Ngoài việc giảm thuế cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân gì hết, mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy.
Trong "rổ" chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời.
CPI tháng vừa rồi tăng ở mức 2,86%. Vậy đã cần tính toán đến những vấn đề này chưa?
- Bài học gần nhất là năm 2008. Lúc đó, biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh. Khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải "uống thuốc" liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Thế giới đang trên đà tăng giá tăng giá, Việt Nam cũng phải chịu giá cao ngay. Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng, điều này sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng khó khăn.
Nếu giảm thuế thì nên tính toán như thế nào để phù hợp, thưa ông?
- Việc giảm hoặc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, tôi cho rằng, ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xóa sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường.
Còn không có sự bất công nào khi "cào bằng" việc giảm thuế giữa người thu nhập cao và người thu nhập thấp. Bởi hiện nay, số lượng người có thu nhập thấp cũng chiếm tỷ lệ khá đáng kể. Trong khi bản thân những người thu nhập cao và tầng lớp trung lưu, họ cũng đóng góp rất lớn thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước.
Ông dự đoán tỷ lệ lạm phát năm 2022 ở mức bao nhiêu?
- Tùy vào việc có hành động để kiểm soát giá hay không. Nếu không hành động, không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát có thể vượt qua 6%, còn hành động thì kiểm soát giá ở 4-5%. Còn tăng trưởng GDP thì khả thi, từ 6,5% trở lên.
Xin cám ơn ông về những chia sẻ này!
Giá xăng có thể lại tăng tiếp, vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6?
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng trong nước đang âm so với giá xăng thế giới ở mức khá cao. Cụ thể với RON 95 lỗ khoảng 1.200 đồng/lít. Còn xăng E5 RON 92 cũng đang âm khoảng 550 đồng/lít, dầu diesel cũng âm 900 đồng/lít.
Theo dự báo của vị này, giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu mức tăng tương ứng với mức lỗ thì giá xăng RON 95 sẽ vượt mốc 31.000 đồng/lít.
Nếu dự báo này chính xác thì xăng có 5 lần tăng giá liên tiếp.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tăng 670 đồng với mỗi lít xăng RON 95, lên mức 30.650 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, lên mức 29.630 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.100 đồng/lít, xuống còn 25.550 đồng/lít; dầu hỏa giảm 660 đồng, xuống còn 24.400 đồng/lít.