Bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên) - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đã từ trần lúc 20g ngày 5/6/2022. Bà ra đi sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật tuổi già cùng sự nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất.
Chiều 6/6, Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, Chi bộ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên) - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đã từ trần lúc 20g ngày 5/6/2022.
Linh cữu quàn tại nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Lễ viếng lúc 9g ngày 7/6/2022. Lễ truy điệu lúc 8g ngày 9/6/2022. An táng tại Nghĩa trang TP (TP Thủ Đức, TPHCM).
Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Ngô Thị Ngỡi, sinh năm 1918 tại xã Mỹ Quới, huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). 11 tuổi bà thoát ly gia đình đi làm giao liên rồi vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng viên ở tuổi 18. Năm 1938, bà là Huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Ngang - Trà Vinh, đến năm 1939 được điều động về làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ; đến năm 1940 là Ủy viên liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Bà Bảy Huệ là một trong 10 nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của Việt Nam |
Năm 1941, bà bị địch bắt, đến năm 1942, bà liên lạc với Thành ủy Sài Gòn, nối liên lạc với Liên tỉnh ủy Hậu Giang, sau đó bị địch bắt lần 2, kết án tù chung thân, giam tại khám Catina (khám Chí Hòa) Sài Gòn.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhờ lực lượng tiến bộ vận động, bà được thả về tỉnh Bạc Liêu, trúng cử Đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa 1, là một trong 10 nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Bà còn là nguyên đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV.
Năm 1948, bà trở về Sài Gòn, là Thường vụ Thành ủy Sài Gòn. Năm 1952, bà công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục Miền Nam, Đảng Đoàn Phụ nữ Nam bộ và Ban Phụ vận Nam bộ. Năm 1962, bà công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, tham gia Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ miền Nam.
Năm 1979, bà nghỉ hưu, tham gia công tác củng cố tổ xây dựng Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ TPHCM, dành nhiều tâm huyết, dồn công sức vận động xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Năm 1994 đến nay, bà tham gia Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM, giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch danh dự.
Sau khi nghỉ hưu, bà Bảy Huệ sống tại Q.3, TPHCM. Bà luôn gắn bó với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội của TPHCM. Bà luôn trăn trở với việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, về cơ hội cho phụ nữ phát triển, khẳng định mình; lên tiếng nói mạnh mẽ phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi sức khỏe bà Bảy Huệ |
Cho mãi đến khi gần 100 tuổi (năm 2018), hầu như các diễn đàn, hội thảo khoa học, những cuộc gặp gỡ mang tính chất lịch sử về nữ giới, nữ quyền nữ cán bộ do Thành ủy, UB Mặt trận Tổ quốc hay Hội LHPN TPHCM tổ chức bà thường góp mặt bằng những bài tham luận, bài phát biểu đầy luận cứ khoa học, thuyết phục, nêu rõ quan điểm của mình về nữ quyền, cùng công tác cán bộ nữ. Cũng từ đó, bà không tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị một cách thường xuyên nữa nhưng vẫn dõi theo hoạt động của Đảng bộ, chính quyền thành phố và đất nước.
Tuy không khỏe, phải ngồi xe lăn có người đẩy đi từng bước, nhưng bà hầu chưa chưa hề vắng bóng tại những cuộc hội ngộ lớn của Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định. Bà sát sao với từng hoạt động, sự đổi mới của Hội LHPN các cấp tại TPHCM. Bà vui vẻ, đón từng đoàn cán bộ Hội đến thăm nhà mỗi dịp lễ, tết để lắng nghe câu chuyện Hội mỗi ngày, vẫn yêu quý và đọc Báo Phụ nữ TPHCM để biết thêm tin tức…
Bà vui vẻ, đón từng đoàn cán bộ Hội đến thăm nhà mỗi dịp lễ, tết để lắng nghe câu chuyện Hội mỗi ngày |
Bà là một trong 13 thành viên Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam bộ thành lập tháng 1/1983. Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam bộ đã đặt nền móng cho sự ra đời của Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ - ngày nay là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Bằng tấm lòng đối với đồng bào trong công việc đền ơn đáp nghĩa, làm sống dậy quá khứ hào hùng của phụ nữ Nam bộ (trong quá trình xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ), năm 1997 bà cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2012, với những công lao, thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo vệ đất nước, bà Bảy Huệ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đoàn cán bộ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN TPHCM thăm chúc thọ dì Bảy Huệ năm 2020 |
Ngày 18/5/2020, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy TPHCM đã long trọng tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 85 năm tuổi đảng cho bà Ngô Thị Huệ, khi ấy, bà vừa tròn 102 tuổi đời. Chiếc huy hiệu nhỏ bé đã ghi dấu cả một cuộc đời sắt son, trung trinh với Đảng, dấn thân cho Tổ quốc và cống hiến hết sức lực, tâm huyết vì Nhân dân.