Trong thời gian qua, Hội nhà báo các địa phương đã không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa, tiếp tục tập hợp đoàn kết được đông đảo hội viên, động viên đội ngũ người làm báo vào các nhiệm vụ quan trọng, cần có những giải pháp linh hoạt và đồng bộ hơn.
Trong nhiều năm qua, người làm báo công tác ở các địa phương đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, hội nhà báo và đội ngũ làm báo đã có đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền, lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những việc làm tốt trong xã hội.
Tại hội thảo về “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo địa phương” mới đây đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các đại biểu ở hội nhà báo các tỉnh đưa ra. Nhiều đại biểu cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động Hội, các cấp Hội Nhà báo địa phương phải luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội Nhà báo địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi Trần Cao Tánh cho biết, Ban Chấp hành, Thường trực Hội cần đoàn kết, xây dựng kế hoạch công tác cần có tầm nhìn chiến lược, bàn bạc dân chủ, công khai; các Chi hội chính là cánh tay nối dài của các cấp Hội, do đó các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng chi hội, sắp xếp các chi hội phù hợp với đặc thù của từng loại hình và cơ quan báo chí; nâng cao chất lượng hội viên mới kết nạp; phối hợp với Đảng uỷ, lãnh đạo các cơ quan báo chí lựa chọn các thư ký chi hội đủ năng lực, uy tín để làm công tác hội ở cơ sở. Đây là yếu tố quyết định thành công trong hoạt động chi hội và câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo ở địa phương.
Tại tỉnh Phú Yên, xác định các chi hội là cánh tay nối dài của Hội nhà báo, là tổ chức hội trực tiếp hoạt động tại các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Phú Yên luôn chú trọng việc xây dựng chi hội, tổ chức sắp xếp các chi hội phù hợp với đặc thù của từng loại hình và cơ quan báo chí; nâng cao chất lượng hội viên mới kết nạp; phối hợp với đảng uỷ, lãnh đạo các cơ quan báo chí lựa chọn các Ban thư ký đủ năng lực, uy tín để làm công tác hội ở cơ sở.
Ban thư ký, ban chủ nhiệm phải đoàn kết, nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc; mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều được bàn bạc dân chủ, công khai; thường xuyên gắn bó với hội viên, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên. Đây là bài học quyết định thành công trong hoạt động chi hội và câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội.
Đưa ra nhiều giải pháp lấy từ thực tiễn ở địa phương, nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Phú Yên cho biết: Tổ chức và hoạt động của Hội, các chi hội, câu lạc bộ trực thuộc phải luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là yếu tố hàng đầu bảo đảm mọi thành công của tổ chức Hội.
“Thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng chính trị tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Không chỉ dựa hoàn toàn vào các cơ quan báo chí, Hội đã chủ động cho riêng mình chương trình, nội dung về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng chuyên đề bằng nhiều hình thức, cho từng đối tượng phù hợp với từng loại hình báo chí. Cử các đoàn đi tham quan, tác nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kinh nghiệm tác nghiệp cho hội viên” - nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt cho biết thêm.
Còn theo nhà báo Đặng Văn Nghiệp – Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ngãi: Hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh nên chủ trì tổ chức các buổi giao lưu giữa các Chi hội để học tập kinh nghiệm làm báo. Hiện nay là thời đại của báo chí đa phương tiện nên việc học hỏi kinh nghiệm giữa báo hình, báo nói, báo in, báo mạng không còn nhiều khoảng cách như trước đây… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài thông qua giao lưu tìm tiếng nói chung trong việc kêu gọi, hỗ trợ các hoạt động xã hội, từ thiện.
Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ngãi cho rằng: mỗi Chi hội cố gắng duy trì việc tổ chức sinh hoạt thường kì (3 tháng 1 lần) để tập hợp, gắn kết hội viên. Thông qua sinh hoạt lồng ghép các vấn đề về công tác chuyên môn, cũng như hoạt động xã hội. Các cơ quan báo chí tùy điều kiện cụ thể quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí phù hợp cho các chi hội đi thực tế, hoạt động giao lưu….