Ngày 7/6, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức buổi Tập huấn báo chí, truyền thông về bảo vệ trẻ em và phòng, chống lao động trẻ em.

Buổi tập huấn nhằm trang bị kỹ năng, nâng cao nhận thức cho phóng viên, nhà báo và những người làm trong lĩnh vực truyền thông về công tác truyền thông bảo vệ trẻ em, phòng chống lao động trẻ em.

Theo ban tổ chức hiện vẫn còn tình trạng lao động trẻ em, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp vì thế gây khó khăn trong thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp đặc biệt tại địa phương có trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn thiếu và hạn chế về năng lực...

nang cao kien thuc nha bao phong vien ve bao ve tre em va phong chong lao dong tre em hinh 1

Tập huấn báo chí, truyền thông về bảo vệ trẻ em và phòng, chống lao động trẻ em. Ảnh: Xuân Trường

Yêu cầu đặt ra là cần tăng cường truyền thông, nhất là về nhận thức vị trí, tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong cộng đồng; các vấn đề về kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện như: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, giao tiếp xã hội, an toàn thể chất, tinh thần, sinh mạng.

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Kim Hoa - Trưởng Phòng Bảo vệ Trẻ em (Cục Trẻ em) đã phổ biến về lao động trẻ em, cách nhận biết về lao động trẻ em. Theo bà Hoa, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng trong buổi tập huấn, nhà báo Trần Bá Dung, Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam đã có những chia sẻ về kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, người làm công tác truyền thông khi viết bài, đưa tin các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Theo ông Dung, truyền thông không nên dùng những hình ảnh, câu từ làm tổn thương trẻ em, tránh đưa những hành ảnh tuyệt vọng, nên đưa những hình ảnh tích cực, những tấm gương điển hình,…

“Truyền thông phải kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ những trường hợp trẻ em bị bóc lột sức lao động. Các phóng viên, nhà báo cần tận dụng hơn nữa cơ hội báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, phương tiện và diễn đàn xã hội rộng lớn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em và thực hiện quyền thông tin và được thông tin của nhân dân về quyền trẻ em”, ông Dung nhấn mạnh.