TP HCMBị phạt 6 năm tù vì duyệt cho Sagri bán dự án trái luật, cựu phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến xin giảm nhẹ mức án vì "sơ suất" để xảy ra sai phạm...
Sáng 8/6, sau gần một tháng TAND Cấp cao tại TP HCM tạm hoãn phiên xử phúc thẩm, kháng cáo của ông Trần Vĩnh Tuyến, 57 tuổi, đối với bản án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí được xem xét.
Trình bày tại tòa, ông Tuyến đồng ý với tội danh nhưng cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo nhiều vấn đề. Điển hình như dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) không phải do ông phụ trách. Khi nhận được tờ trình của Sagri xin chuyển nhượng dự án ông đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực Ủy ban và UBND TP HCM. Nhưng đây là do sơ suất, chứ bản thân không có vụ lợi, không phải "biết sai mà vẫn làm". "Mong HĐXX xem xét lại", cựu phó chủ tịch thành phố nói.
Trước đó, trong đơn kháng cáo, ông Tuyến đề nghị cấp phúc thẩm xem xét bối cảnh dẫn đến sai phạm tại thời điểm xảy ra vụ án năm 2016. Bị cáo cũng cho biết sức khỏe đang không tốt do bị gãy xương đùi, đi lại khó khăn; huyết áp cao... nên xin "không bị cách ly khỏi xã hội".
Là người có vai trò chủ mưu vụ án, ông Lê Tấn Hùng (59 tuổi, cựu tổng giám đốc Sagri) thừa nhận tội danh. Bị cáo cho biết đã nỗ lực dùng tiền cá nhân để khắc phục toàn bộ hậu quả trước khi bị khởi tố, đề nghị HĐXX xem xét thêm các tình tiết khác để giảm nhẹ hình phạt.
Riêng ông Trần Trọng Tuấn (53 tuổi, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP HCM) kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan. Bị cáo cho rằng đã áp dụng đúng các quy định pháp luật để tham mưu cho thành phố, bản thân không vụ lợi và không có chuyện "nể nang ông Lê Thanh Hải (cựu bí thư thành phố) là anh trai của bị cáo Lê Tấn Hùng".
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 10/6.
Bản án sơ thẩm hồi tháng 12/2021 xác định, dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 được UBND TP HCM giao cho Sagri (100% vốn Nhà nước) quản lý. Việc chuyển nhượng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, phải có phương án thoái vốn, thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá...
Tuy nhiên, ông Tuyến cùng các cán bộ thuộc UBND TP HCM thiếu sót trong việc thẩm định hồ sơ. Trong đó, ông Tuyến đã căn cứ vào tờ trình tham mưu của Sở Xây dựng do ông Tuấn ký, chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú khi chưa thực hiện các bước theo quy định.
Ông Tuấn biết Sagri xin chuyển nhượng dự án khi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về phần vốn góp của Nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm tờ trình cho thành phố phê duyệt. Với vai trò là Giám đốc Sở Xây dựng, bị cáo Tuấn đã không làm tròn trách nhiệm trong việc tham mưu cho ông Tuyến.
Đối với ông Lê Tấn Hùng, tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo là người được giao quản lý tài sản Nhà nước tại Sagri, buộc phải biết việc chuyển nhượng dự án phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không thất thoát tài sản. Tuy nhiên, ông Hùng đã chỉ đạo, tác động cấp dưới hoàn thiện hồ sơ xin chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện.
Ngoài ra, khi còn là Tổng giám đốc Sagri, ông Hùng đã chỉ đạo cấp dưới rút 13,3 tỷ đồng của công ty để "tổ chức cho nhân viên đi học tập ở nước ngoài", song thực tế không có chuyến đi nào được thực hiện.
TAND TP HCM đã tuyên phạt ông Tuyến, ông Tuấn cùng mức án 6 năm tù. Ông Hùng nhận 11 năm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; 14 năm về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 25 năm tù. 16 bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.
HĐXX tuyên hủy hợp đồng công chứng chuyển nhượng dự án giữa Sagri và Công ty Phong Phú, giao cho UBND TP HCM làm các thủ tục thu hồi và giao lại cho Sagri quản lý.
Sau phiên xử, VKSND TP HCM kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm xác định lại thiệt hại của vụ án là 672 tỷ đồng - tương đương giá trị chuyển nhượng dự án tại thời điểm khởi tố vụ án, chứ không phải là 348 tỷ đồng (thời điểm xảy ra sai phạm) như phán quyết của tòa sơ thẩm.