Chiều 11/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chủ tịch nước ghi vào sổ lưu niệm: “Chúng ta xúc động trước cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đồng chí luôn là tấm gương và nguồn cổ vũ, động viên chúng ta trong sự nghiệp phát triển đất nước, phục vụ nhân dân. Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng, tôn tạo khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt ngày thêm khang trang. Mong rằng nơi đây mãi là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lấy phụng sự Tổ quốc và nhân dân làm lẽ sống; là tấm gương về nhân cách, đạo đức mẫu mực, trong sáng. Với tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và linh hoạt, sâu sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt vào quá trình chuẩn bị nội dung của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa V, đóng vai trò rất quan trọng của giai đoạn “tiền đổi mới”, bước phát triển nhảy vọt về tư tưởng đổi mới toàn diện, mở ra một thời kỳ mới của đất nước.
Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Công ty TNHH Quốc Thảo tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long. Công ty chuyên sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu tới nhiều quốc gia (Mỹ chiếm 95%, 5% còn lại là châu Âu và một số nước châu Á), tạo gần 600 việc làm, doanh thu năm 2021 đạt 600 tỷ đồng, tăng 18,2% so năm 2020.
Đề cập nông nghiệp là lợi thế lớn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Vĩnh Long và phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm là một lợi thế cạnh tranh ở quy mô thị trường toàn cầu, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc công ty đã thành công trong việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp; cung cấp giống, công nghệ, vốn và bao tiêu sản phẩm, người nông dân vẫn làm chủ trên mảnh đất của mình, có việc làm, thu nhập ổn định, lâu dài. Chủ tịch nước nhấn mạnh cách làm này cần tiếp tục được nhân rộng mạnh mẽ ở Vĩnh Long cũng như các địa phương khác.
Chủ tịch nước nhấn mạnh nước ta đi lên từ một nền kinh tế phổ biến là các hộ kinh tế nhỏ, cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đảng và Nhà nước ta mong muốn người dân tham gia tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn mạnh ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần phát huy tinh thần “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” để doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển, đặc biệt là các liên kết giữa người nông dân và các chủ thể kinh tế khác.
Ba đồng hành là cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư,... công khai minh bạch, giảm chi phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; xây dựng cơ chế đối thoại, tháo gỡ khó khăn.
Năm hỗ trợ là: khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu; đào tạo nhân lực.
Cho rằng người nông dân muốn đứng vững trong môi trường cạnh tranh hiện nay, giảm tổn thương trước những biến động thị trường thì phải tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp và khi thương hiệu Việt được quốc tế đánh giá cao, người tiêu dùng trong nước sẽ càng thêm tin tưởng, Chủ tịch nước chúc Công ty Quốc Thảo tiếp tục thành công, nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng, để cùng với người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Sáng 11/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) và đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách ở Hà Tĩnh.
Đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc và Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Thủ tướng cùng các thành viên trong đoàn kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Các Anh hùng liệt sĩ mãi là tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường, cống hiến hy sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc
Khắc ghi những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác nguyện hứa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (đang sinh sống tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ả (đang sinh sống tại phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh). Thăm hỏi, chúc sức khỏe tại các gia đình chính sách, Thủ tướng mong muốn cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Minh, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ả sống vui, sống khỏe và luôn là người đảng viên, công dân tốt để các thế hệ con cháu noi theo; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác đã đến khảo sát hiện trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tại đây, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam trình bày tóm tắt về quá trình giải phóng mặt bằng, bốc đất tầng phủ cũng như những tác động đến môi trường, tình hình phát triển kinh tế, xã hội địa phương và đời sống của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trên cơ sở thực tiễn, khách quan về hiệu quả đầu tư, tác động đến đời sống, môi trường cũng như những kiến nghị chính đáng của người dân địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, nhất là yếu tố phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, đối với những vấn đề còn tồn tại các ý kiến trái chiều, còn gặp khó khăn, nhạy cảm, càng phải giữ vững đúng nguyên tắc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, bàn bạc ý kiến kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý sẽ quyết định theo đa số, lựa chọn phương án có lợi nhất cho nhân dân, đất nước để thực hiện.